Nhận định về quyết định hạ lãi suất 50 điểm ngày 18/9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các chuyên gia cho rằng điều này sẽ mang lại tác động tích cực với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Với riêng Việt Nam, các tác động tích cực có thể kể đến như thúc đẩy tăng xuất khẩu, tăng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, giảm áp lực lên tỷ giá, ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường chứng khoán hưởng lợi…
Giảm áp lực lên tỷ giá
Đánh giá nhanh về quyết định hạ lãi suất của Fed với kinh tế Việt Nam, tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng và bền vững hơn, kích cầu hàng hóa-dịch vụ, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và Mỹ, châu Âu là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Cùng với đó, kỳ vọng dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lên.
Ngoài ra, theo ông Lực, việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền khác (trong đó có VND) làm giảm sức ép tỷ giá USD/VND. Thực tế là thị trường đã chiết khấu một phần lớn, tỷ giá hạ nhiệt từ mức tăng khoảng 4,9% hồi cuối tháng 5/2024 xuống còn 1,6% hết ngày 18/9/2024. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng khoảng 1,3%-1,7% cả năm 2024.
Cục Dự trữ liên bang cắt giảm lãi suất mạnh mẽ
Ngày 18/9, Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát đang chậm lại ổn định.
Bên cạnh đó, quyết định này của Fed cũng góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc Fed giảm lãi suất sẽ làm cho lãi suất toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt như nêu trên. Tại Việt Nam, lãi suất ngoại tệ (nhất là đồng USD và EUR) giảm, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất nói chung (trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng), giảm chi phí vốn vay bằng ngoại tệ đối với cả vốn vay cũ và mới. Chi phí vốn vay của Chính phủ và doanh nghiệp FDI bằng ngoại tệ cũng giảm một phần. Điều này vừa góp phần giảm rủi ro nợ vay vừa kích cầu tín dụng, đầu tư trong thời gian tới.
Đăng thảo luận