Thị trường du lịch cao cấp đang ấm dần. Việt Nam cần làm gì để ‘đón sóng’, mang những vị khách chi tiêu ở mức cao đến? Nhiều đại biểu, chuyên gia hiến kế trong hội thảo 'Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?' do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt nam?" được báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội, ngày 11-10 - Ảnh: NAM TRẦN
Hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?" diễn ra vào chiều 11-10, tại khách sạn Sheraton Hanoi nhằm tìm giải pháp thu hút khách du lịch cao cấp đến Việt Nam và sản phẩm nào chiều lòng những vị khách khó tính này.
Hội thảo có sự tham dự của ông Hồ An Phong - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh - cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Liên chi hội Lữ hành Việt Nam; đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch cao cấp trên cả nước.
Nhà báo Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu khai mạc - Ảnh: NAM TRẦN
Phát biểu khai mạc, nhà báo Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ du lịch Việt đang phục hồi mạnh mẽ. Lượng khách quốc tế đến ngày càng tăng, có thể Việt Nam sẽ đón đến 18 triệu lượt trong năm nay. Song nếu chúng ta có cách quảng bá tốt, lượng khách không dừng ở đó.
Thực tế, Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có những đoàn có mức chi tiêu cao ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Đông, châu Âu, Mỹ.
"Để tối ưu nguồn thu, cần nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch có chất lượng, hấp dẫn hơn", ông nói.
* Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong:
Thời điểm vàng mang khách du lịch cao cấp đến Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, hiện tại chính là thời điểm vàng để thu hút khách cao cấp đến việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN
Báo Tuổi Trẻ đã đặt ra một vấn đề đáng quan tâm ở thời điểm hiện tại, đó là giải pháp nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam - ông Hồ An Phong nhận định.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa rất cao. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia có vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện tốt nhất để tập hợp những người có mong muốn phát triển ngành du lịch Việt Nam thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Phong, kết quả thống kê hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm rất phấn khởi. Chúng ta đón tới 12,7 triệu khách, tăng 43% so với cùng kỳ.
Ba tháng cuối năm là thời điểm cao điểm đón khách quốc tế. Vì thế đây là thời điểm "vàng" để ta nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, qua đó có những dự báo cho hướng đi sắp tới để đạt kết quả cao hơn, đặc biệt ở phân khúc khách du lịch cao cấp đến Việt Nam.
Ông cho rằng quan trọng hơn các con số là chất lượng khách đến Việt Nam, làm sao để khách chi tiêu cao hơn, lưu trú dài hơn…
Những đánh giá, gợi mở, định hướng ở hội thảo này sẽ góp phần giúp bộ, ngành du lịch có những cơ sở khoa học và thực tiễn thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển đúng hướng, có chất lượng ngày một cao hơn và bền vững theo nghị quyết của Chính phủ về tăng tốc và phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19.
* Bà Ngô Thị Hương - phó tổng giám đốc kinh doanh và marketing Công ty CP Vinpearl:
Quan trọng nhất là hiểu khách hàng
Bà Ngô Thị Hương - phó tổng giám đốc kinh doanh và marketing Công ty CP Vinpearl - cho rằng muốn thu hút khách cao cấp phải thực sự hiểu khách hàng - Ảnh: NAM TRẦN
Bà Hương cho hay, với phân khúc khách cao cấp, khách hàng luôn yêu cầu sản phẩm riêng biệt, cá nhân hóa. "Chúng tôi hướng tới mục tiêu "một điểm đến đa trải nghiệm", đặc biệt là những trải nghiệm lần đầu tiên có ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải đảm bảo yếu tố an toàn cho du khách khi trải nghiệm du lịch ở Việt Nam", bà nói.
Ẩm thực cũng là yếu tố thu hút du khách. Những người làm du lịch luôn lắng nghe, tìm kiếm sản phẩm ẩm thực thu hút du khách. Chẳng hạn, xây dựng bản đồ ẩm thực trên đảo Hòn Tre, dù ở 3 ngày 2 đêm hay 4 ngày 3 đêm, du khách đều có thể trải nghiệm đa dạng các loại hình ẩm thực các nước.
Bà Ngô Thị Hương - phó tổng giám đốc kinh doanh và marketing Công ty CP Vinpearl
Khi "may đo" được sản phẩm theo từng tệp khách hàng sẽ thúc đẩy khách chi tiêu nhiều hơn.
Thứ hai, du khách cũng ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần. Ở một số thị trường, khách còn quan tâm tới du lịch xanh, chẳng hạn như du khách Hàn Quốc rất ưa chuộng golf. Vinpearl khá thành công khi phát triển Vinpearl Safari Phú Quốc, Vinpearl River Safari Nam Hội An và thành lập trung tâm cứu hộ động vật.
Thời gian qua, xu hướng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam ngày càng tăng. Năm nay, Vinpearl đã đón hơn 10 đám cưới tỉ phú Ấn Độ, dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2025. Việt Nam đang trở thành điểm đến đám cưới, du lịch MICE, du lịch golf.
Bà Ngô Thị Hương cho hay Công ty CP Vinpearl luôn luôn phát triển điểm đến bằng các sự kiện tầm cỡ như 8Wonders. "Đó là một trong các chiến lược chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện để đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ, thu hút tệp khách chi tiêu cao", bà nói.
Việt Nam cần làm gì để thu hút khách quốc tế cao cấp? - Thực hiện: NGUYỄN HIỀN - NHÃ CHÂN - CHÍ TUỆ - MAI HUYỀN - TRINH TRÀ
* Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel:
"Giá tiền đi liền cảm xúc"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel - cho hay sản phẩm cao cấp phải chạm cảm xúc khách hàng - Ảnh: NAM TRẦN
Điều quyết định trải nghiệm có cao cấp hay không, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, là để lại ấn tượng gì cho khách. Một chuyến đi đáng nhớ, một trải nghiệm sâu sắc không thể quên, một sự bất ngờ, phong phú trong nhận thức, quan trọng hơn rất nhiều một khách sạn 5 sao hay 6 sao. Cảm xúc của du khách quyết định chất lượng sản phẩm có cao cấp hay không.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ kể lại câu chuyện Vietravel đón đoàn 4.500 khách của tỉ phú Ấn Độ đến Việt Nam. Ông tỉ phú đã đến Việt Nam trước hai ngày để đi thăm Đà Nẵng, Hội An, đi lắc thúng ở Hội An. Khi bước từ thuyền thúng lên bờ, ông ấy đã nói "Excellent!" (tuyệt vời).
Sự hưng phấn mà khách hàng nhận được là điều khiến họ cảm thấy hứng thú. "Đó là trải nghiệm cao cấp", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định.
Đoàn 4.500 khách của tỉ phú Ấn Độ đi thuyền khám phá Tràng AnĐỌC NGAY
"Để tổ chức được chuyến đi thuyền thúng cho vị khách tỉ phú, chúng tôi đã phải thuê 5 thợ lặn, lặn ở bên dưới, tìm hiểu cái thúng được làm như thế nào, trát keo ra sao, cho mấy người nặng hơn thử trước xem thúng có bị ảnh hưởng gì không.
Thậm chí phải tìm được người lắc thúng giỏi nhất, mà chúng tôi vẫn đùa là 5 đời làm nghề lắc thúng. Phải làm dịch vụ an toàn đến mức để du khách an tâm, cảm thấy hưng phấn đến tột cùng. Tôi cho rằng đó là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng sản phẩm cao cấp", ông kể thêm.
Trong sản phẩm dịch vụ cao cấp không thể thiếu được chất lượng dịch vụ cung ứng, nhưng không thể thiếu được sự tỉ mỉ cẩn thận sắp xếp và chuẩn bị dịch vụ một cách thực sự chu đáo, để khách có thể cảm nhận được sự khác biệt và chạm tới cảm xúc.
* Ông Liam Cordingly, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Oxford:
Thị trường cho du lịch cao cấp có hạn, cạnh tranh cao
Ông Liam Cordingley chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN
Qua việc khảo sát 1.800 du khách tiềm năng từ 5 thị trường gửi khách lớn nhất tới Đông Nam Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và Vương quốc Anh, có thể thấy dịch vụ ẩm thực là một trong những động lực lớn thúc đẩy lựa chọn điểm đến. 7/10 khách du lịch tiềm năng cho biết ẩm thực là yếu tố quan trọng khi lựa chọn điểm đến. Tỉ lệ này tăng lên đối với du khách thuộc nhóm thu nhập cao hơn.
Ông Liam Cordingly, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Oxford, đưa ra một số khuyến nghị tại hội thảo:
Đó là chú trọng phát triển trải nghiệm ẩm thực cao cấp, gồm cả xây dựng chuỗi cung ứng thiết yếu trong và ngoài nước, qua đó cải thiện chất lượng trải nghiệm du lịch. Để đạt được mục tiêu đó, cần tạo điều kiện để các sản phẩm, nhà hàng và quán bar chất lượng cao được hoạt động hợp pháp.
Hỗ trợ phát triển đa dạng các trải nghiệm ẩm thực, đảm bảo khả năng tiếp cận thuận tiện cho du khách.
Chú trọng yếu tố an toàn và đáng tin cậy của ẩm thực là yếu tố cốt lõi quyết định hình ảnh và uy tín của điểm du lịch.
Chính sách và quy định cần tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng môi trường kinh doanh có khả năng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với giá cả cạnh tranh, khuyến khích mọi đối tượng du khách chi tiêu nhiều hơn.
Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đảm bảo rằng chính sách công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang dần nâng cấp trải nghiệm du lịch tổng thể.
* Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh:
Cần hệ sinh thái cho du lịch cao cấp tại Việt Nam
Ông Nguyễn Trùng Khánh, cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN
Tham dự hội thảo, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành điểm đến chất lượng, đón những đoàn khách cao cấp (về tự nhiên, văn hóa phong phú, đa dạng; chính trị ổn định, an toàn; con người thân thiện…). Dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc khai thác chưa tương xứng với những tiềm năng đó.
Theo ông, thời gian tới cần nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu của phân khúc khách du lịch cao cấp, từ đó đầu tư phát triển sản phẩm phù hợp, chú trọng tính độc đáo, nguyên bản, cá biệt, cá nhân hóa, tinh tế, gắn với văn hóa, hài hòa với tự nhiên, môi trường trong các sản phẩm/dịch vụ trải nghiệm… Ngoài ra, xúc tiến quảng bá có chiều sâu, tập trung vào phân khúc thị trường - sản phẩm, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp của Việt Nam, tận dụng KOL hay người nổi tiếng để quảng bá…
Cục Du lịch quốc gia đề xuất một số chính sách hỗ trợ:
1. Du lịch tàu biển: Đơn giản hóa thủ tục, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng tàu, nhà chờ, tour tuyến đa dạng, kéo dài thời gian lưu trú.
2. Du lịch golf: Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của golfer quốc tế (từ 20% còn khoảng 5 - 10%).
3. Du lịch MICE: Đăng cai sự kiện quốc tế tầm cỡ.
4. Du lịch mua sắm: Có những chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn.
5. Du lịch sự kiện khác về ngoại giao, thương mại, thể thao, văn hóa…
Hội thảo sôi nổi, đầy cảm xúc tại phiên thảo luận với các khách mời là ông Phan Đình Huê - chuyên gia tư vấn du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, bà Huỳnh Thị Xuân Liên - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Cao Fine Jewery, doanh nhân Phạm Quang Vinh, master chef Đỗ Nguyễn Hoàng Long - Ảnh: NAM TRẦN
Các chuyên gia chia sẻ những câu chuyện làm du lịch cho khách cao cấp đầy thú vị tại hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN
Trước khi bắt đầu hội thảo, các khách mời được trải nghiệm tour thực tế ảo hang Sơn Đoòng - Ảnh: NAM TRẦN
Đăng thảo luận
2024-12-03 16:05:21 · 来自106.82.220.253回复