Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai tiêm phòng vắc-xin sởi trên địa bàn theo kế hoạch.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình dịch sởi tại địa phương, rà soát tỉ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng chống dịch... Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch…

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có sởi. Đại diện Bộ Y tế cũng cảnh báo mùa tựu trường đang đến gần, nguy cơ mắc sởi, lây truyền bệnh là rất lớn; tỉ lệ nặng, tử vong nằm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam việc đại dịch COVID-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vắc-xin cũng như công tác tiêm chủng vắc-xin. Điều này tạo ra khoảng trống vắc-xin ở nhiều trẻ em. 

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với WHO, UNICEF cùng các địa phương tổ chức chiến dịch tiêm chủng 1.134.200 liều vắc-xin phòng sởi nhằm bao phủ vắc-xin cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng. Chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin sởi được triển khai lần này sẽ khác với các chiến dịch trước đây, đó là các đối tượng tiêm được mở rộng từ 1 - 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin chứa thành phần sởi. Quy mô tiêm tại 18 tỉnh, thành.

Theo các chuyên gia dịch tễ, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Sởi là căn bệnh lây lan rất nhanh với hệ số lên đến 12-18 (tức một cá nhân mắc bệnh sởi có thể truyền virus cho 12-18 người không có miễn dịch ở xung quanh). Đối với sởi, tiêm chủng vắc-xin được đánh giá là "vũ khí" hiệu quả nhất để kiểm soát dịch.

Ngày 28-8, UBND TP HCM đã có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố năm 2024. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết dự kiến 2 ngày tới, khoảng 300.000 liều vắc-xin sởi - Rubella (MR) sẽ về tới thành phố để triển khai chiến dịch tiêm chủng. Dự kiến, TP HCM triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin từ ngày 31-8, xuyên nghỉ lễ. Giai đoạn đầu kéo dài khoảng 1 tháng, tiêm cho tất cả trẻ 1-5 tuổi, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao 6-16 tuổi, không kể tiền sử tiêm chủng. Nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao cũng được tiêm bổ sung nếu chưa tiêm đủ mũi.

Giai đoạn 2, TP HCM sẽ tiêm bù cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi. Nguồn vắc-xin sẽ được mua bổ sung theo nhu cầu thực tế. Ngoài các điểm tiêm tại trạm y tế, bệnh viện, thành phố sẽ tổ chức hàng loạt điểm tiêm lưu động tại các trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ... "Người dân không chủ quan, song cũng không nên hoang mang trong bối cảnh thành phố công bố dịch, bởi đa số cộng đồng đã có miễn dịch nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng 20 năm nay" - lãnh đạo Sở Y tế nói.