Không kham nổi chi phí thuê ngày càng tăng, nhiều đơn vị buộc phải trả lại mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh
Những ngày cuối tháng 8-2024, nhiều người không khỏi bất ngờ trước thông tin Starbucks đóng cửa cửa hàng cao cấp nhất ở TP HCM tại số 11-13 Hàn Thuyên, quận 1 sau 7 năm hoạt động và luôn đông khách. Điều làm nhiều người choáng váng hơn là việc Starbucks trả mặt bằng này sau khi hết hợp đồng và chủ nhà tăng giá thuê từ 700 triệu lên 750 triệu đồng/tháng, tức khoảng 9 tỉ đồng/năm.
Đua nhau trả mặt bằng đắc địa
Với giới kinh doanh và những người làm trong lĩnh vực cho thuê bất động sản, mức giá cho thuê của mặt bằng nêu trên không phải là quá cao.
Thực tế, có những mặt bằng khác trên cùng tuyến đường Hàn Thuyên hoặc các tuyến đường lân cận có giá thuê cao hơn rất nhiều. Đơn cử, mặt bằng quán %Arabica Coffee, chuỗi cà phê nổi tiếng của Nhật vừa khai trương cách đây vài tháng, có giá không dưới 700 triệu đồng/tháng.
Một mặt bằng đắt địa ở trung tâm TP HCM bỏ trống suốt nhiều năm qua Ảnh: PHẠM ĐÌNH
Tuy vậy, những mặt bằng siêu cao cấp dạng này chỉ dành cho những đơn vị kinh doanh cho chiến lược riêng. Còn với những doanh nghiệp chỉ mong muốn tìm kiếm lợi nhuận từ bán sản phẩm, dịch vụ thì sẽ rất khó trụ vững.
Vài tháng trước khi Starbucks Hàn Thuyên đóng cửa, một loạt thương hiệu đình đám như Highlands Coffee đã trả mặt bằng tại góc đường Nguyễn Du và Pasteur; nhà hàng YEN Shushi đóng cửa chi nhánh số 8 Đồng Khởi. Cửa hàng va-ly, túi xách MIA vài tháng trước cũng trả mặt bằng ở ngã sáu Phù Đổng. Mặt bằng này cũng có giá thuê lên tới 700 triệu đồng/tháng và từng qua tay 4 thương hiệu lớn chỉ trong 5 năm.
Thực tế, việc mặt bằng giá cao, người kinh doanh không kham nổi trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và buộc phải trả lại là chuyện không mới mà đã diễn ra suốt từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 đến nay. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến nay, vẫn có rất nhiều mặt bằng dọc các tuyến đường sầm uất, trung tâm TP HCM như Nguyễn Huệ, Lê Lợi (quận 1), Võ Văn Tần (quận 3), Nguyễn Trãi (quận 5), Nguyễn Văn Linh (quận 7), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)… đang trong tình trạng "cửa đóng then cài" chưa có người thuê hoặc đã thuê nhưng tiếp tục đóng cửa.
Đường Lê Lợi (quận 1) dài khoảng 550 m là một trong những tuyến đường đẹp nhất nhì khu trung tâm TP HCM, giao cắt với những tuyến đường "dát vàng" như Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ nhưng hiện có khoảng 15 mặt bằng bỏ trống. Bà Nguyễn Hạnh, quản lý cửa hàng đồ lưu niệm tại đoạn đường này, cho rằng nguyên nhân nhiều cửa hàng xung quanh đóng cửa là do không chịu nổi tiền mặt bằng, lên tới 25-30 triệu đồng mỗi ngày, tức 800-900 triệu đồng/tháng; chưa tính chi phí nhân sự, thuế, vốn… Một số chủ cửa hàng ban đầu không lường trước tình hình kinh doanh nên thuê giá vượt quá khả năng, dẫn đến thu không đủ chi, đành đóng cửa thuê chỗ khác dù chỉ mới dọn đến vài tháng.
"Tiệm trang sức đá quý, chuỗi trà sữa nổi tiếng P.L, đại lý du lịch… do không gánh nổi chi phí thuê đã nối nhau trả mặt bằng. Đến nay, chưa ai dám thuê lại vì giá quá cao. Tôi cũng đang xin chủ nhà giảm giá thuê vì khách du lịch đông nhưng mua thì ít, không biết trụ nổi đến năm sau không" - bà Hạnh băn khoăn.
Ông Hoàng Thanh - người môi giới căn nhà 48 Lê Lợi, kết cấu 1 trệt 1 lầu - cho hay căn nhà này chủ chào giá 12.000 USD/tháng (gần 300 triệu đồng), với điều kiện đặt cọc 4 tháng, thanh toán trước 2 tháng và thuê ít nhất 2 năm. Điều đáng nói, căn nhà này đã bỏ trống hơn 1 năm kể từ khi cửa hàng bán đồng hồ T.T "tháo chạy" nhưng chủ nhà quyết không giảm giá cho thuê.
"Nếu khách muốn thuê mặt bằng trên đường Lê Lợi để buôn bán, làm thương hiệu, cần cân nhắc kỹ vì giá rất cao, dao động 10.000 - 12.000 USD/tháng. Đã có nhiều khách không gánh nổi phí thuê này nên phải chấp nhận mất cọc đến hàng trăm triệu đồng" - ông Thanh thông tin.
Đường Nguyễn Trãi (quận 5) từng được mệnh danh là "phố thời trang" của TP HCM, với hàng trăm cửa hiệu kinh doanh các mặt hàng giày dép, quần áo, túi xách, nón, mắt kính... Tuy nhiên, do kinh doanh ế ẩm cùng phí thuê mặt bằng ngất ngưởng nên nhiều người đã treo bảng thanh lý hàng hóa và sang nhượng mặt bằng.
Bà Phạm Ngọc, đại diện cửa hàng đầm bầu thiết kế M.d.l, cho biết bà đang muốn nhượng lại mặt bằng 14,5 m2, diện tích sử dụng 35 m2 gồm 1 tầng, 1 trệt và 1 kho nhỏ, với giá thuê 60 triệu đồng/tháng, giá sang nhượng 259 triệu đồng (gồm máy lạnh, đèn, bảng hiệu, tiền cọc…) để chuyển sang kinh doanh ngành hàng khác. "Doanh số mặt hàng thời trang ngày càng giảm trong khi giá thuê mặt bằng đang neo ở mức cao, không phù hợp với thị trường. Sau khi đàm phán nhiều lần không được, tôi quyết định sang lại" - bà Ngọc giải thích.
Bà Hà Phương, chủ cửa hàng thời trang N.N gần đó, cũng cho hay đang có nhu cầu thanh lý toàn bộ hàng hóa và cho thuê lại tầng trệt diện tích 80 m2 do "nghỉ hưu". Giá đang cho thuê là 45 triệu đồng/tháng và khách thuê ít nhất 1 năm, cọc 2 tháng. Khách thuê lại sẽ tiết kiệm được chi phí kệ, quầy… Tuy nhiên, theo tìm hiểu, bà Phương nghỉ bán, trả mặt bằng là do chủ nhà không chịu giảm giá để hỗ trợ người kinh doanh mà vẫn tăng đều đặn hằng năm.
Thà bỏ trống, không hạ giá cho thuê!
Là người thuê mặt bằng, bà Lê Thị Tú Uyên, chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thân thiện với môi trường và thực phẩm sạch, cho hay từng thuê một mặt bằng với giá 20 triệu đồng/tháng ở đường Nguyễn Huệ, quận 1 nhưng đã đóng cửa chỉ sau 3 tháng dù phải chịu mất cọc. Bởi lẽ, tuyến đường này tuy đông người qua lại nhưng chủ yếu là giới trẻ, những người tiêu dùng có khả năng chi tiêu ở mức vừa phải nên doanh số thu được không đủ trang trải.
Đăng thảo luận