Cầu Phú Mỹ với độ dốc lớn và lượng xe tải nặng dày đặc, chỉ cần một sự cố nhỏ thì tai nạn và ùn tắc dây chuyền là điều khó tránh khỏi
Vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 8-8 ở cầu Phú Mỹ (nối TP Thủ Đức và quận 7, TP HCM) đến nay vẫn gây ám ảnh với người đi đường khi trong phút chốc, chiếc xe tải mất thắng lao xuống và ủi dồn hàng loạt ô tô chạy cùng chiều, trong đó một ô tô bẹp dúm và gây ra vụ cháy liên hoàn.
Nhiều vụ tai nạn ở cầu Phú Mỹ
Sau vụ tai nạn, điều tra ban đầu của lực lượng chức năng cho thấy tài xế Dũng (quê tỉnh Kiên Giang) điều khiển xe tải 14,4 tấn khi đổ dốc cầu (thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) đã mất thắng khiến xe tải lao nhanh trên quãng đường gần 100 m, đâm vào 7 xe khác gồm ô tô, xe tải, xe đầu kéo. Qua kiểm tra, ông Dũng không dương tính với chất kích thích hay nồng độ cồn.
Tai nạn liên hoàn khiến 8 xe hư hỏng. Trong đó, 3 xe bị cháy (2 ô tô cháy rụi, xe tải bị cháy phần đầu) và một người bị thương.
May mắn được cứu sống trong vụ tai nạn, ông Lê Thanh Liêm (41 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM) bàng hoàng kể: Tôi từ TP HCM đi Đồng Nai cùng người thân, khi đổ dốc cầu Phú Mỹ thì bị tông từ phía sau, xe bẹp dúm, khi giật mình thì tôi không thể cử động. May mắn tôi được một nhóm người cứu nên chỉ bị xây xát ngoài da.
Không chỉ vụ tai nạn liên hoàn này, trước đó, nhiều vụ tai nạn liên hoàn cũng xảy ra tại cầu Phú Mỹ khiến người đi đường ám ảnh. Trưa 25-6, xe container chạy trên cầu Phú Mỹ, hướng quận 7 đi TP Thủ Đức, khi đang đổ dốc cầu (thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi) thì va chạm liên hoàn với một xe tải cùng một ô tô khác, ô tô sau đó dính chặt vào đầu container, may mắn không ai bị thương.
Cách đó hơn 1 tháng, ngày 11-4, dưới chân cầu Phú Mỹ, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức đã xảy ra va chạm giao thông khi xe tải cẩu qua cầu (hướng quận 7 đi TP Thủ Đức), đang đổ dốc thì mất thắng, dính chặt vào phần hông phía sau xe container, tài xế và phụ xe bị thương.
Trước đó, ngày 26-7-2023, 4 ô tô cũng bị xe bồn tông liên hoàn trên cầu Phú Mỹ. Xe bồn chở xăng dầu do nam tài xế điều khiển chạy trên cầu Phú Mỹ, hướng quận 7 đi TP Thủ Đức. Khi xe xuống hết dốc cầu thì tông liên tiếp 3 ô tô và 1 ô tô khác cách đó khoảng 100 m. Bốn ô tô bể nát, móp méo nằm chắn hết làn đường nhưng người bên trong ô tô được hỗ trợ đưa ra ngoài an toàn.
Ghi nhận tại cầu Phú Mỹ cho thấy do nằm trên trục đường Vành đai 2 của thành phố, kết nối giao thông giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu nên có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt xe qua cầu.
Ở 2 đầu cầu, nhiều xe chở hàng nặng phải ì ạch bò lên cầu, trong khi ở chiều đổ dốc, không ít xe chạy khá nhanh.
Anh Tấn, một tài xế xe container chuyên chở hàng vào cảng Phú Hữu, cho biết hầu hết xe lưu thông vào cảng đều chở lượng hàng hóa nhất định, trọng lượng nặng nên khi đổ dốc cầu với độ dốc lớn, nếu có sự cố phía trước cũng khó xử lý kịp, mà xe dày đặc như thế thì tai nạn liên hoàn là không tránh khỏi.
Theo anh Tấn, không chỉ sợ tai nạn mà tài xế còn sợ ùn tắc kéo dài, bởi đây là cây cầu huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây vào cảng Phú Hữu, Cát Lái nên khi trên cầu xảy ra sự cố thì ùn tắc kéo dài, rất mệt mỏi.
Cầu Phú Mỹ thường gánh lượng phương tiện dày đặcẢnh: ANH VŨ
Đánh giá lại độ dốc
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, cho biết trước một số vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra trên cầu Phú Mỹ, Ban An toàn giao thông đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá lại thiết kế hạ tầng của cầu như độ dốc, mặt đường có bảo đảm an toàn kỹ thuật giao thông. Trường hợp cầu có độ dốc lớn, cơ quan chuyên môn cần điều chỉnh, tổ chức giao thông cho phù hợp.
"Ngoài ra, chúng tôi đề xuất lắp camera bổ sung trên khu vực cầu để xử phạt nguội các phương tiện vi phạm an toàn giao thông. Riêng tài xế, khi lưu thông trên cầu cần giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện trước khi lưu thông" - ông Lợi cho hay.
Về các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên cầu Phú Mỹ, đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết sở đã đề nghị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ (nhà đầu tư BOT) tập trung duy tu, sửa chữa mặt đường cầu Phú Mỹ, đặc biệt là đoạn đường xuống cầu, nhằm bảo đảm mặt đường đạt chuẩn cho các loại xe lưu thông. Ngoài ra, phải lắp đặt đầy đủ các biển cảnh báo như đi chậm, đoạn thường xuyên kiểm tra tốc độ, chú ý quan sát…
Song song đó, Sở GTVT kiến nghị Công an thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm tình trạng lưu thông không đúng tốc độ cho phép, không giữ khoảng cách an toàn theo quy định trên cầu Phú Mỹ.
Về lâu dài, theo đại diện Sở GTVT TP HCM, sở nghiên cứu triển khai đầu tư mở rộng mặt đường Võ Chí Công (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy) để bảo đảm khả năng thoát xe nhanh, tránh tình trạng ùn ứ giao thông trên cầu Phú Mỹ.
Ai bồi thường sau vụ tai nạn?
Theo luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, trong vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại cầu Phú Mỹ, kết quả xác minh ban đầu thì tai nạn xuất phát từ xe tải đông lạnh bị mất thắng lao xuống dốc dù đã cố gắng đánh lái nhưng vẫn gây hư hỏng 8 xe. Trong đó, 3 xe bị cháy rụi.
Theo quy định tại khoản 3 điều 601 Bộ Luật Dân sự năm 2015, xe tải là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu của xe tải bắt buộc phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi. Số tiền bồi thường sẽ căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh cho các thiệt hại cụ thể như sau: Thiệt hại về tài sản bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, giảm sút (ví dụ đang lái xe tải 1 ngày là 1 triệu đồng mà nay vì xe hư không chạy được); chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại.
Các nạn nhân trong vụ việc có quyền yêu cầu chủ xe bồi thường. Lưu ý, nếu tài xế trong vụ việc là nhân viên của công ty thì công ty là người phải bồi thường, nếu chủ xe đồng thời là tài xế hoặc chủ xe cho tài xế thuê, mượn xe thì tài xế phải bồi thường.
Căn cứ vào điều 260 Bộ Luật Hình sự hiện hành về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng sẽ có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, nếu mức gây thiệt hại lên đến 1,5 tỉ đồng sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, trên cơ sở kết quả xác minh của cơ quan công an, trách nhiệm bồi thường nêu trên có thể sẽ được miễn trong trường hợp sự việc xảy ra do bất khả kháng hoặc được giảm do sự việc xuất phát từ tình thế cấp thiết. Đối với trường hợp cấp thiết, chủ xe vẫn phải bồi thường phần thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Đăng thảo luận