(NLĐO) - Khoảng 76% người dùng Việt Nam được Cốc Cốc khảo sát đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học, song vẫn còn 17% người dùng cho hay không tìm thấy ưu điểm nào ở biện pháp bảo mật này.
Sau hơn 1 tháng triển khai Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, việc xác thực sinh trắc học đã dần ổn định.
Tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2024 với chủ đề "Kinh tế số - củng cố và phát triển tài chính ngân hàng và Fintech - dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp" tổ chức ngày 8-8 tại TP HCM, đại diện HDBank nhìn nhận việc áp dụng sinh trắc học đã góp phần tăng tính an toàn, bảo mật cho giao dịch thanh toán không tiền mặt.
Dù vậy, nhiều người vẫn chưa quen, lúng túng trong giai đoạn đầu triển khai, nhất là người lớn tuổi. "Việc bảo vệ dữ liệu sinh trắc học là vấn đề thách thức vì mật khẩu có thể đổi được, còn sinh trắc học của từng người nếu bị đánh cắp thì rất nguy hiểm. Các ngân hàng phải đầu tư công nghệ, giải pháp, bảo đảm an ninh, kể cả cải tiến quy trình để bảo vệ sinh trắc học" - đại diện HDBank nói.
Theo khảo sát trực tuyến mới đây do Cốc Cốc thực hiện với 3.386 người có tài khoản ngân hàng, 76% số người được khảo sát đã cài đặt xác thực sinh trắc học, bao gồm cả thực hiện thành công và chưa thành công. Trong đó, cứ 2 người thì có 1 người đã cài đặt thành công sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng.
Khảo sát người dùng về sinh trắc học do Cốc cốc tiến hành. Ảnh: Cốc cốc
Kết quả khảo sát cũng cho thấy vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong thực hiện cài đặt sinh trắc học, đặc biệt ở bước "nhận diện khuôn mặt". Ngoài ra, khó khăn còn do thiết bị không tương thích, không đọc được NFC, khó chụp CCCD/ đọc mã QR...
Phần lớn người dùng đồng ý rằng xác thực sinh trắc học giúp an toàn hơn khi giao dịch trực tuyến, với tỉ lệ 72%. Trong khi đó, 41% người được hỏi cho biết lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
Khoảng 50% người dùng lo lắng về vấn đề lộ thông tin cá nhân với phía ngân hàng khi thực hiện cài đặt sinh trắc học.
Vấn đề liên quan đến chiếm đoạt/mất tiền trong tài khoản được đặt lên hàng đầu. Người dùng trẻ tuổi và phụ nữ đặc biệt lo lắng về những bẫy lừa đảo có thể xảy ra trong khi thực hiện giao dịch trực tuyến.
Đáng chú ý, có 17% người dùng không tìm thấy ưu điểm nào ở biện pháp bảo mật này.
Khi được hỏi ý kiến về quyết định dừng toàn bộ giao dịch nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học từ ngày 1-1-2025, có 64% người dùng đánh giá là cần thiết hoặc rất cần thiết, 10% người dùng đánh giá là không cần thiết hoặc rất không cần thiết.
Đăng thảo luận