Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam cho Nguyễn Tiến (SN 1990) - nghệ sĩ vẽ tranh trình diễn trên sân khấu bằng nhiều loại hình và chất liệu nhất Việt Nam
.Phóng viên: Vẽ tranh trình diễn (vẽ tranh biểu diễn trên sân khấu) là nghề khá lạ lẫm tại Việt Nam. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này đang được nhiều người đón nhận trong thời gian gần đây. Khi đón nhận kỷ lục, anh có bị áp lực không?
Nghệ nhân Nguyễn Tiến
- Nghệ nhân NGUYỄN TIẾN: Để xác lập kỷ lục nói trên, tôi đã trình diễn 9 loại hình gồm: tranh cát động, tranh kim tuyến, tranh nước (dội sơn), tranh lửa, tranh bằng sơn nước, tranh ngược bằng màu nước, tranh điện, tranh bằng sơn xịt và vẽ tranh bằng dao.
Trong đó, mỗi phần trình diễn trên sân khấu kéo dài từ 3 đến 7 phút tùy chất liệu. Từ nhỏ, tôi đã đam mê vẽ tranh. Đến khi là sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, tôi tranh thủ phụ việc ở tiệm vẽ quảng cáo của gia đình, lập nhóm bạn vẽ tranh tường, vẽ trên thân xe, nón bảo hiểm... để kiếm thu nhập.
Đến năm 2010, tôi bắt đầu tìm thấy đam mê với tranh cát. Và tôi đã nghiên cứu, sử dụng thêm nhiều chất liệu, nhiều cách vẽ khác nhau để đa dạng hóa các phần trình diễn của mình.
.Trở ngại nhất trong quá trình nghiên cứu của anh là gì?
- Khó khăn lớn nhất là loại hình này quá mới nên không có ai để mình học. Kể cả dụng cụ, cách thức biểu diễn đều rất mơ hồ. Tôi đã tốn kém khá nhiều để đầu tư cho những sản phẩm mới, vì cứ làm hư thì phải bỏ, làm lại. Đã theo nghề rồi thì phải chấp nhận thôi.
.Nhiều khán giả ví anh như một "phù thủy" vẽ tranh, anh nghĩ sao?
- Họa sĩ trình diễn hội họa cần có khả năng sáng tạo, tức luôn tìm tòi và thử nghiệm cái mới, biết cách tạo ra sự bất ngờ và biến ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm. Tôi hứng thú với việc tìm kiếm âm nhạc để kết hợp cơ thể theo những giai điệu tạo ra một màn trình diễn hấp dẫn.
Nghệ nhân Nguyễn Tiến đang sáng tác .Ảnh: THANH HIỆP
Gọi tôi là "phù thủy" biến hóa hình ảnh là cách mà khán giả đã trân quý, thế nhưng đó cũng là áp lực vì nếu tôi cứ giẫm chân tại chỗ thì khó khiến khán giả hài lòng. Thế nên, tôi phải liên tục tìm tòi cái mới cho nghề. Danh xưng "phù thủy" sẽ là động lực để tôi nỗ lực hơn nữa nhằm thiết lập những kỷ lục mới.
.Kỷ niệm nào trong nghề khiến anh nhớ mãi?
- Buổi biểu diễn vẽ tranh bằng lửa đầu tiên đã để lại cho tôi kỷ niệm đáng nhớ nhất. Khi đó tôi vẫn đang loay hoay trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển cách vẽ tranh bằng lửa thì có khách hàng gọi tới: "Anh có thể vẽ giúp em chân dung một vị khách hàng nước ngoài bằng tranh lửa được không?" - đó là sự kiện diễn ra tại "Sol Kitchen & Bar District 7" (quận 7, TP HCM). Tôi nhận lời dù chưa từng vẽ tranh lửa trình diễn trên sân khấu. May mắn là tôi đã thành công dù có chút sai sót.
.Tranh cát là hình thức đầu tiên mà anh mang đi biểu diễn khắp nơi từ năm 2012. Hiện có nhiều người chuyên vẽ tranh cát, anh có sợ bị cạnh tranh?
- Tôi không ngại bị cạnh tranh, ngược lại cảm thấy vui vì có được sự đối trọng để luôn làm mới mình. Bộ môn này đáp ứng được tính "kể chuyện'", cát sẽ xóa đi vẽ lại trên mặt kính, mỗi một khung hình, người vẽ sẽ lại tái hiện câu chuyện của mình bằng đôi tay trên cát. Ưu điểm của cát là truyền tải được nhiều nội dung và thông điệp, vấn đề là phải biết chắt lọc hình ảnh, nén nó lại thành những nét vẽ, để gây bất ngờ, thú vị với người xem.
Vẽ tranh kim tuyến cũng đang được nhiều khách hàng yêu cầu. Bức tranh sẽ được vẽ trên nền đen hoặc trắng, khi vẽ, họa sĩ sẽ dùng cọ và keo trong phun lên tấm tranh. Bức tranh chỉ hiện ra khi nghệ sĩ tung bột kim tuyến lên. Hình thức vẽ tranh trình diễn bằng kim tuyến có màu vàng sang trọng óng ánh, có thể vẽ tranh chân dung của một hay nhiều người cùng lúc hoặc vẽ logo, sản phẩm...
Với tranh nước, bức tranh sẽ hiện ra khi nghệ sĩ đổ chất lỏng có dạng như sơn nước lên bức tranh, khi đó chân dung hoặc tác phẩm sẽ hiện ra rất sống động.
Đăng thảo luận
2024-11-02 08:04:53 · 来自36.62.214.191回复