Các ngành chức năng ở ĐBSCL khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động để bảo vệ quyền lợi và tài sản của mình

Thời gian gần đây, nhiều người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) với mong muốn cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và được đào tạo nâng cao tay nghề để có việc làm tốt hơn sau khi về nước. Nhưng do không tìm hiểu kỹ nên họ đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết

Mới đây, nhiều bị hại tại các tỉnh ĐBSCL như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp và Bến Tre hoảng hốt khi biết số tiền đưa cho Trần Thanh Phương (25 tuổi; ngụ tỉnh Đồng Tháp) để đi XKLĐ đã bị đối tượng này chiếm đoạt.

Theo điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Long, Phương lợi dụng tư cách pháp nhân là Trưởng Văn phòng đại diện Công ty CP Phát triển Tập đoàn An Dương và Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ cung ứng Hoshi (cùng ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), có chức năng XKLĐ để lừa đảo. Phương đưa ra nhiều thông tin gian dối để nhận hơn 2 tỉ đồng của 37 cá nhân tại địa phương nêu trên, với lời hứa đưa sang Hàn Quốc và Úc làm việc.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP Cần Thơ đã xử phạt hành chính ông L.T.S. (44 tuổi; ngụ TP Cần Thơ) vì đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về việc đưa người đi lao động ở Hàn Quốc.

Ông S. sử dụng nhiều tài khoản TikTok để đăng video quảng cáo việc làm tại Hàn Quốc với mức lương từ 1,8 - 2,1 triệu đồng/ngày; giả mạo danh nghĩa các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) và tuyên bố khai trương Văn phòng Công ty TNHH MTV Huỳnh Hương Group, trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Qua xác minh của cơ quan chức năng, công ty này không trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH và chưa được cấp phép đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ông S. thừa nhận đã thu thập thông tin từ mạng xã hội, chỉnh sửa rồi đăng tải nhằm mục đích quảng cáo.

Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau, cho hay Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh đang xác minh một số trường hợp người lao động (NLĐ) gửi đơn đến sở về việc bị lừa tiền khi đăng ký đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc. 

"Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mong nhanh chóng được ra nước ngoài làm việc của NLÐ để chiếm đoạt tiền; liên lạc với NLÐ qua mạng xã hội, đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn về việc làm và yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục, sau đó biến mất khi đã nhận được tiền" - bà Thoảng nói.

Ông Huỳnh Văn Tuấn (SN 1975; ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã có đơn tố giác tội phạm việc ông cùng 7 người thân trong gia đình bị lừa đảo hơn 600 triệu đồng bằng thủ đoạn XKLĐ sang Hàn Quốc. Cơ quan CSĐT Công an huyện Giồng Riềng vừa chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an tỉnh Kiên Giang điều tra, xử lý theo thẩm quyền vì có yếu tố nước ngoài.

 Ngăn chặn lừa đảo xuất khẩu lao động 第1张

Người lao động tìm hiểu thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau. Ảnh: VÂN DU

Tăng cường tuyên truyền, cảnh giác

Ông Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Giồng Riềng, cho biết đến thời điểm hiện tại, địa phương chưa có chủ trương XKLĐ thời vụ tại Hàn Quốc. "Hiện chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ LĐ-TB-XH tại các xã rà soát, tuyên truyền cảnh báo cho người dân để tránh bị kẻ xấu lừa đảo. Nếu có nhu cầu XKLĐ, NLĐ nên liên hệ với ngành chức năng tại địa phương để được hỗ trợ" - ông Minh thông tin.

Theo ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm DVVL Thanh niên TP Cần Thơ, nếu doanh nghiệp (DN), cá nhân nào yêu cầu NLĐ đưa nhiều tiền để được đi nước ngoài làm việc, hoặc thông tin thủ tục đi XKLĐ đơn giản và sẽ được đi sớm thì đây chắc chắn là lừa đảo. 

"NLĐ có nhu cầu, cần đến các trung tâm DVVL tại địa phương tìm hiểu những công ty uy tín được phép đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài; hoặc tra cứu thông tin trên website của Bộ LĐ-TB-XH để tìm hiểu cho chính xác trước khi nộp hồ sơ và đóng tiền để đi XKLĐ" - ông Phúc khuyến cáo.

  • Cảnh báo lừa đảo đưa đi Úc làm việc trong ngành nông nghiệp

  • Khuyến cáo chiêu trò lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài trên mạng xã hội

Nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo XKLĐ, Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau đã tham mưu Sở LĐ-TB-XH tỉnh, những DN muốn tuyển dụng NLĐ trên địa bàn Cà Mau bắt buộc phải nộp hồ sơ pháp lý cho Sở LĐ-TB-XH thẩm định. Sau khi được thẩm định, trung tâm DVVL sẽ là đơn vị trực tiếp phối hợp với DN đó đến các địa phương tư vấn, tuyển dụng để NLĐ yên tâm và tiếp cận các thị trường.

 Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền về việc XKLĐ tại các buổi giới thiệu việc làm tại các xã, phường thị trấn; truyền thanh tận khóm ấp khuyến cáo về nội dung lừa đảo XKLĐ để người dân hiểu, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Trước tình trạng lừa đảo XKLĐ ngày càng tinh vi, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH tăng cường phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện cảnh báo về hành vi lừa đảo NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời thường xuyên cập nhật các DN đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định để các địa phương nắm, phổ biến đến NLĐ... 

BÀ QUÁCH THANH THOẢNG, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DVVL TỈNH CÀ MAU:

Cần tìm đúng địa chỉ

Nếu NLÐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nên liên hệ trực tiếp với các cơ quan chính quyền địa phương để được hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết, tuyệt đối không được tin tưởng và chuyển tiền cho những cá nhân, DN không được cơ quan chức năng công nhận để tránh những rủi ro không đáng có. Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ NLÐ trong tìm kiếm cơ hội việc làm ngoài nước an toàn và hợp pháp.