(NLĐO) - Một phát hiện "không thể tin nổi" ở xích đạo Sao Hỏa có thể định hướng lại các sứ mệnh thám hiểm hành tinh này.
Hai tàu vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang bay trên quỹ đạo Sao Hỏa là ExoMars Trace Gas Orbiter (TGO) và Mars Express đã cùng xác nhận sự hiện diện của một lớp sương giá kỳ quặc trên đỉnh ngọn núi lửa cao nhất hệ Mặt Trời và hàng loạt núi lửa khác ở khu vực Tharsis.
Núi lửa cao nhất hệ Mặt Trời - Olympus Mons của Sao Hỏa - chứa băng giá ngay trên đỉnh - Ảnh: ESA
Khu vực Tharsis là lãnh địa núi lửa lớn nhất Sao Hỏa, trong đó cái cao nhất là Olympus Mons nổi tiếng, với độ cao khoảng 2,5 lần đỉnh Everest của Trái Đất.
TS Adomas Valantinas từ Đại học Brown (Mỹ) và các cộng sự đã xác định được lượng sương giá mong manh, khó lý giải này khi phân tích tỉ mỉ dữ liệu quan sát của 2 tàu ESA.
“Chúng tôi nghĩ rằng sương giá không thể hình thành xung quanh xích đạo của Sao Hỏa, vì sự kết hợp giữa ánh nắng và bầu không khí mỏng giữ nhiệt độ tương đối cao ở cả bề mặt và đỉnh núi" - TS Valantinas giải thích.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng sự tồn tại của sương giá rất thú vị và gợi ý rằng có những quá trình đặc biệt, không thể thấy ở Trái Đất, đang diễn ra nơi hành tinh đỏ.
Lớp sương giá này cực kỳ mỏng, với độ dày tương đương với độ dày của sợi tóc người (khoảng 1/100 mm).
Tuy nhiên, bất chấp điều này, các mảng băng giá bao phủ một khu vực rộng lớn của mỗi ngọn núi lửa.
Núi lửa trên Sao Hỏa lại rất khổng lồ, nên tổng lượng nước từ lớp sương giá này có thể lấp đầy khoảng 60 bể bơi Olympic, với tổng thể tích gần 111 triệu lít nước.
Nước này cũng liên tục hoán đổi giữa bề mặt và bầu khí quyển của Sao Hỏa mỗi ngày - kéo dài khoảng 24,5 giờ Trái Đất - trong mùa lạnh của hành tinh.
Đăng thảo luận