Chiều 20/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trả lời câu hỏi về công tác nhân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị vào sáng 21/10, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua chương trình kỳ họp Quốc hội, trong đó có công tác nhân sự. Dự kiến, tại ngày họp đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu nhân sự Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại cuộc họp báo Ảnh: Như Ý
Bà Hải cho biết, Hội nghị Trung ương 10 đã biểu quyết thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nội dung khác liên quan đến các nhân sự thuộc thẩm quyền cũng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. “Trong chương trình cũng bố trí thời gian để thực hiện nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, bà Hải nói.
Ngày 13/11 trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tính chất quan trọng của kỳ họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc. Đây là kỳ họp có nhiều vấn đề lớn và với phương án tiếp cận làm việc mới. Do vậy, kỳ họp thứ 8 kéo dài 29,5 ngày, Quốc hội sẽ làm việc 4 Thứ bảy.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 8 sẽ tăng thảo luận ở tổ, giảm thời gian thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Tại kỳ họp này sẽ tăng thời gian truyền hình trực tiếp tại hội trường, qua đó nhân dân sẽ có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội.
Trả lời vấn đề liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Định nói, đây dự án rất lớn, đã được các ủy viên Trung ương thảo luận tại hội nghị Trung ương vừa qua. Trên cơ sở đó, Trung ương đã có chỉ đạo trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương. Sau khi có chủ trương, Chính phủ mới xây dựng chi tiết, tiền khả thi, khả thi, đánh giá tác động nhiều mặt...
Dự kiến, Chính phủ sẽ đọc tờ trình vào ngày 13/11, chiều cùng ngày thảo luận ở tổ và chiều 20/11 thảo luận ở hội trường. “Nếu nhận được đồng thuận cao sẽ biểu quyết thông qua chủ trương vào ngày bế mạc - 30/11”, ông Định cho hay.
Xem xét giá điện sinh hoạt
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải tại họp báo Ảnh: Như Ý
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nói, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tại lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất nhiều nội dung lớn. Thứ nhất là quy hoạch điện, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội. “Quốc hội sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Quy hoạch trong kỳ họp này, làm thế nào để giải quyết quy hoạch điện”, ông nêu.
Thứ hai là việc đầu tư các dự án, công trình điện, đây cũng là chính sách lớn nhưng còn vướng mắc. Thứ ba là giá mua điện, trong đó giá điện sinh hoạt làm sao để giải quyết những bất cập, bức xúc trong thực tiễn. “Việc Chính phủ đề nghị thông qua một kỳ họp cũng là vấn đề rất băn khoăn. Song qua trao đổi với các cơ quan và xét tính chất rất cấp thiết, tôi thấy có thể thông qua một kỳ họp”, ông nói.
Để làm được điều này, cơ quan thẩm tra đã đề nghị Chính phủ chỉ tập trung vào những chính sách lớn. Một số vấn đề vướng mắc khác, chưa phải cấp thiết có thể trình sau theo dạng một nghị quyết để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết. “Trong quá trình thảo luận, cơ quan soạn thảo, thẩm tra rất nỗ lực, cố gắng để tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu và các cơ quan”, ông nói.
Rà soát mức giảm trừ gia cảnh, thuế thu nhập cá nhân
Trao đổi về mức giảm trừ gia cảnh và sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, trong nhiệm kỳ này đã đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào diện rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Từ ý kiến của cử tri, dư luận, liên quan đến nhiều chính sách trong luật này, đặc biệt để thực hiện mục tiêu điều tiết về thu nhập, giữa người có thu nhập thấp với thu nhập cao, trong nhiệm kỳ này sẽ trình sửa luật.
Tuy nhiên, Chính phủ đang rà soát và đến thời điểm này Chính phủ chưa trình. Bà Chinh nhấn mạnh, Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ tiếp thu ý kiến cử tri, xem xét cẩn trọng các chính sách về việc này.
Kỳ họp kéo dài 29,5 ngày
Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21/10, dự kiến bế mạc sáng 30/11, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày. Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề KT-XH và một số vấn đề quan trọng khác.
Xem nhiềuXã hội
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện, làm thay chính quyền
Xã hội
Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự triển lãm ‘Nhật báo Quốc hội’
Xã hội
Miền Trung, Nam Bộ tiếp tục mưa lớn
Xã hội
Gắn biển công trình trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, di sản kiến trúc cổ từ năm 1915
Xã hội
Đăng thảo luận