Những ngày qua, dư luận nóng lên khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến đến hết ngày 22/10. Dự thảo làm dấy lên nhiều tranh luận và câu hỏi, đặc biệt về nội dung không cấm giáo viên được dạy thêm ngoài trường.
"Học thêm là một nhu cầu có thật của học sinh. Thời nào cũng có và không dập tắt được. Vấn đề là tổ chức làm sao để không xung đột lợi ích, gây thiệt hại và mệt mỏi cho học sinh"- TS Giáp Văn Dương
PV Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với trò chuyện với nhà giáo dục, tiến sĩ Giáp Văn Dương.
"Nên có quy định để tránh xung đột lợi ích”
PV: Ông có đồng ý với việc Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo về quy định cho giáo viên dạy thêm ngoài trường không?
TS Giáp Văn Dương: Việc dạy thêm, học thêm đã được bàn đi nói lại suốt mấy chục năm qua. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có cả biện pháp cấm dạy thêm đối với giáo viên. Nhưng đến này, việc dạy thêm vẫn tồn tại và phát triển, chứng tỏ đó là nhu cầu thật của cuộc sống. Nếu vậy thì không cấm được, chỉ có thể quản lý và điều hướng sao cho khoa học và hiệu quả, đặc biệt là tránh xung đột lợi ích, gây ảnh hưởng xấu đến học sinh.
Nhìn sang một số nước như Hàn Quốc, Singapore thì thấy việc học thêm vẫn diễn ra, nhưng là ở các trung tâm giáo dục độc lập với nhà trường. Giáo viên của các trung tâm đó không phải là giáo viên đứng lớp của học sinh.
Do đó, theo tôi, chúng ta cũng nên có quy định đó để tránh xung đột lợi ích, gây tổn hại cho học sinh.
PV: Có ý kiến cho rằng, dự thảo bật toàn "đèn xanh" cho vấn đề dạy thêm và lo lắng dạy thêm học thêm sẽ tràn lan, phức tạp. Ông có chung nỗi lo lắng như vậy không?
TS Giáp Văn Dương: Vấn đề lớn nhất của quản lý việc dạy thêm, học thêm là xung đột lợi ích. Thầy cô đã dạy chính trong trường, nay lại dạy thêm bên ngoài, thì đâu là thêm, đâu là chính? Liệu có xảy ra tình trạng dạy chính là phụ, là tạo phễu, còn dạy thêm mới là mục tiêu chính của các thầy cô? Việc này chắc chắn sẽ xảy ra, nếu không có giải pháp quản lý tốt. Hệ quả là chất lượng giáo dục chính quy sẽ xuống thấp. Môi trường giáo dục cũng bị biến tướng, khi giáo viên dạy không hết trách nhiệm trên lớp, mà dành nội dung để dạy thêm.
Do đó, vấn đề không phải là “ai quản ai”, mà giải pháp có thấu đáo và có xung đột lợi ích hay không.
PV: Theo ông, học sinh có cần phải học thêm? Học thêm để thành “thợ học” và có điểm số cao thực sự có quan trọng với một học sinh hay không?
TS Giáp Văn Dương: Theo tôi, học sinh chỉ nên học thêm trong các trường hợp sau: học phụ đạo vì sức học yếu; học bồi dưỡng tài năng; học những nội dung nhà trường không dạy, theo nhu cầu của cá nhân.
Nhưng vì sao số học sinh học thêm hiện nay rất đông. Tôi cho rằng, đó là do thi cử, do sợ con mình không bằng con nhà người ta, hoặc lo con không cạnh tranh được ở các bậc chuyển cấp. Nỗi lo này là chính đáng, nhưng theo tôi, không phải là giải pháp của ngành giáo dục.
Về phía ngành giáo dục, nếu thiếu trường, thì giải pháp là tạo cơ chế để kêu gọi đầu tư và huy động các nguồn lực để xây thêm trường mới, có đủ chỗ cho học sinh theo học, thay vì dồn sức học thêm để cạnh tranh nhau có một chỗ trong trường công lập.
Về phía gia đình, nên khơi gợi, tìm cách để giúp con phát triển khả năng tự học, giúp con tìm ra điểm mạnh điểm yếu của chính mình, thay vì sa vào vòng xoáy học thêm không hồi kết mà không thực sự để làm gì.
PV: Có một thực tế, các em học thêm, điểm số cao nhưng các em học sinh vẫn chán học. Ông có thể phân tích một số hệ lụy mà người thầy, học sinh trong vòng quay của học thêm, dạy thêm hiện nay?
"Vấn đề lớn nhất của quản lý việc dạy thêm, học thêm là xung đột lợi ích. Thầy cô đã dạy chính trong trường, nay lại dạy thêm bên ngoài, thì đâu là thêm, đâu là chính?"- TS Giáp Văn Dương
TS Giáp Văn Dương: Việc học thêm hiện nay được thực hiện chủ yếu theo cách nhồi vào các kiến thức, dạng bài dùng để thi cử, nên dù điểm số có cao, nhưng lại làm cho học sinh mệt mỏi và thui chột sức sáng tạo. Vì thế, nếu sa vào vòng xoáy này, học sinh không chỉ chán học, mà còn sợ học, rất khổ.
Thay vì cách nhồi vào như thế, theo tôi cách làm tốt hơn là khơi ra. Khơi ra những năng lực mới, khả thể mới của người học. Như thế, học sinh sẽ có được sự trưởng thành thực sự trong quá trình học, thay vì cùn mòn đi lòng yêu học do bị nhồi nhét nội dung, kiến thức, phục vụ những mục tiêu ngắn hạn như thi cử.
PV: Nhìn thấy việc lan tràn học thêm như hiện nay ở mọi lớp, mọi cấp học sẽ để lại những hệ lụy tiêu cực. Theo ông, về lâu dài có hại cho nền giáo dục nói chung?
TS Giáp Văn Dương: Như tôi đã nói, học thêm là một nhu cầu có thật của học sinh. Thời nào cũng có và không dập tắt được. Vấn đề là tổ chức làm sao để không xung đột lợi ích, gây thiệt hại và mệt mỏi cho học sinh. Do đó, tốt nhất là học hỏi kinh nghiệm quản lý của các nước đi trước, cho phép các trung tâm tổ chức dạy thêm, nhưng giáo viên dạy ở các trung tâm đó không nên là giáo viên trực tiếp đứng lớp của học sinh mình đang dạy.
Xem nhiềuGiáo dục
Quảng Ninh miễn phí 167 tỷ đồng học phí cho học sinh năm học 2024 - 2025
Giáo dục
Tranh cãi chuyện giải tán ban phụ huynh
Giáo dục
TPHCM: Phụ huynh bị 'vận động' đóng góp ít nhất 200.000 đồng làm đường
Giáo dục
10 trường đại học có doanh thu trên nghìn tỷ
Giáo dục
Đăng thảo luận