(NLĐO) - Thừa Thiên - Huế luôn xem công tác giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Nhiệm vụ này được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt nhằm đạt mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Vượt chỉ tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo

Năm 2021, khi nền kinh tế Việt Nam gặp phải khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của hoạt động kinh tế, xã hội. Chuẩn nghèo năm 2021 được duy trì theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Tuy vậy, với sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của chính người nghèo nên tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục giảm 0,46%, từ 3,45% cuối năm 2020 xuống còn 2,99% vào cuối năm 2021.

 Thừa Thiên - Huế: Giảm nghèo bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội 第1张

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia Ngày hội việc làm và Tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế

Năm 2022 là năm đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều 2022-2025 với chuẩn nghèo thu nhập tăng gấp 2,1 lần so với chuẩn nghèo cũ và 6 chiều dịch vụ xã hội cơ bản tương ứng với 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Theo chuẩn nghèo mới, toàn tỉnh có 16.006 hộ nghèo, tỉ lệ 4,93% và 12.803 hộ cận nghèo, tỉ lệ 3,94%. Trong đó địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện A Lưới 49,98% tiếp đến là huyện Nam Đông 8,62%. Kết quả rà soát tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau đó đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển và các xã khu vực nông thôn; khu vực thành thị có tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn.

 Thừa Thiên - Huế: Giảm nghèo bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội 第2张

Hơn 17.000 lao động trong đó có hàng nghìn người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được giải quyết việc làm.

Kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội chung trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2022-2023, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 4,93% xuống còn 2,27%; bình quân giảm 1,33%/năm, vượt chỉ tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo Chính phủ và Tỉnh ủy giao 0,7-0,75%/năm; đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo qua việc thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025 do đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy làm trưởng ban. Các địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo do Bí thư Đảng ủy từ cấp huyện đến cấp xã làm trưởng ban chỉ đạo, cùng với ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của UBND các cấp để chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Hàng tháng, quý, năm kịp thời tổ chức họp đánh giá tiến độ giải ngân, những khó khăn, tồn tại để kịp thời chỉ đạo các sở ngành, địa phương tháo gỡ, khắc phục những khó khăn tồn tại thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp đề xuất các Bộ, ngành trung ương hướng dẫn.

Ban hành chính sách đặc thù

Ngoài các chính sách giảm nghèo chung của Nhà nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2023-2025. Trong đó có chính sách hỗ trợ 30% còn lại mệnh giá BHYT hộ cận nghèo; chính sách xóa nghèo và hỗ trợ đời sống cho hộ nghèo có thành viên là người có công, gồm trợ cấp xã hội hàng tháng 700.000 đồng/hộ/tháng; Hỗ trợ phương tiện nghe, nhìn trị giá 3 triệu đồng/hộ; Hỗ trợ lắp đặt sử dụng nước sạch: 6 triệu đồng/hộ; chính sách hỗ trợ trợ cấp xã hội hàng tháng cho hộ nghèo không có khả năng lao động 500.000 đồng/hộ/tháng; hỗ trợ hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo 50% mức đóng BHYT; hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo với mức xây mới 40 triệu đồng/nhà; sữa chữa 20 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo.

Về công tác phối hợp, quản lý, điều hành đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan thường trực chương trình, UBND các huyện, thị xã, TP Huế và các đơn vị có liên quan luôn trao đổi, phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thực hiện; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất với cấp trên những vấn đề vượt quá thẩm quyền; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành chủ trì thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của Chương trình.

Giải quyết việc làm, tạo sinh kế

Để đạt được kết quả giảm nghèo, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Hàng năm, giải quyết việc làm cho hơn 17.000 lao động (LĐ), trong đó có hàng nghìn người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; những năm gần đây, mỗi năm đưa hơn 2.300 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng LĐ, trong đó người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Từ năm 2021 đến nay đã triển khai nhiều mô hình sinh kế giúp người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2022 và 2023, từ nguồn ngân sách trung ương đã hỗ trợ trên 11,2 tỉ đồng để cùng nguồn đối ứng của người dân hơn 7,3 tỉ đồng để thực hiện 63 mô hình, dự án với 448 hộ tham gia.