Các chủ thể cần chủ động áp dụng biện pháp công nghệ cao để bảo vệ quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số vốn rất khó kiểm soát

Đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền vào nền kinh tế của các quốc gia hiện khá lớn, ví dụ Mỹ 11,99% GDP, Hàn Quốc 9,89% GDP, Pháp 7,02% GDP... Tại Việt Nam, từ năm 2018 đến 2023, ước tính giá trị tăng thêm của các ngành này đóng góp vào kinh tế đạt hơn 4% đến hơn 6%. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Khó kiểm soát

Ông Phạm Thành Tùng, Phó trưởng Phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan thuộc Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nhìn nhận việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Mức độ đầu tư nguồn lực và nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện có khoảng 100 trang web vi phạm bản quyền bóng đá với tổng cộng 1,5 tỉ lượt xem trong mùa giải 2022 - 2023. Đối với nội dung về phim và sản phẩm văn hóa khác, có khoảng 200 trang web lậu với khoảng 120 triệu lượt xem/tháng. "Gần đây, chúng tôi phát hiện một số trang web đặt máy chủ ở nước ngoài vi phạm bản quyền về truyện tranh. Đã có một số tổ chức Nhật Bản làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, phản ánh vi phạm về truyện tranh trên không gian mạng đã gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho đơn vị sở hữu bản quyền" - ông Hải thông tin.

 Tràn lan vi phạm bản quyền trên mạng 第1张

Các trang web xem phim trực tuyến không có bản quyền gây thiệt hại nặng nề cho chủ sở hữu Ảnh: YẾN ANH

Ông Phạm Hoàng Hải nhìn nhận vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng vô cùng phức tạp, tinh vi với nhiều hình thức khác nhau. Trong khi đó, không gian mạng là không gian xuyên biên giới nên khó xác định chủ thể và hành vi vi phạm.

Ông Hoàng Long Huy, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp Văn hóa - Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), chỉ ra sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và công nghệ dẫn đến hoạt động sao chép sản phẩm trên không gian mạng được thực hiện dễ dàng. Trong khi đó, cơ quan quản lý khó xác định và xử lý hành vi vi phạm, nhất là trường hợp có yếu tố nuớc ngoài. Mặt khác, một số tác giả, chủ sở hữu còn chưa nắm vững quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ngăn chặn bằng công nghệ

"Việc bảo vệ bản quyền trên môi trường số cũng giống như bảo vệ tài sản trên môi trường vật lý" - ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số - Hội Truyền thông số Việt Nam, nhận định. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là doanh nghiệp làm nội dung của Việt Nam thường có quy mô nhỏ, khó có khả năng thuê luật sư xử lý khi gặp vấn đề vi phạm bản quyền.

Góp ý về giải pháp, ông Chung cho rằng công nghệ chính là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong bảo vệ bản quyền trên nền tảng số. Do đó, các chủ thể cần quan tâm những giải pháp hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt nội dung tự động, hỗ trợ pháp lý bản quyền hay phát hiện, báo cáo vi phạm bản quyền.

Theo ông Phạm Thành Tùng, bên cạnh việc khuyến khích các chủ thể áp dụng biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, cơ quan quản lý phải có giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền.

Theo luật sư Phan Tường Duy, Công ty Luật TNHH Hãng Luật Roma, để hạn chế vi phạm bản quyền trên môi trường số, cơ quan chức năng có thể sử dụng biện pháp công nghệ để ngăn chặn hành vi khai thác bản quyền bất hợp pháp, như chặn tên miền hoạt động. "Quan trọng nhất là cần có chế tài như xử phạt vi phạm hành chính, hình sự đối với những nhà quảng cáo lựa chọn kênh quảng cáo chứa nội dung vi phạm quyền tác giả, tác phẩm. Đồng thời rà soát, kiểm tra tên miền, có biện pháp ngăn chặn các trang web lậu đang tồn tại" - luật sư Duy kiến nghị.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam, khuyến nghị người sở hữu tác phẩm cần chủ động rà soát trên mạng để xem tác phẩm của mình có bị đánh cắp không. Trường hợp bị đánh cắp, nếu xác định được cá nhân, chủ thể đăng tải, tác giả có thể yêu cầu gỡ bỏ hoặc khởi kiện, yêu cầu bồi thường và thông báo đến cơ quan chức năng. "Quan trọng hơn cả là trước khi phát hành sản phẩm ra thị trường, tác giả cần đăng ký bản quyền để cơ quan quản lý có đủ cơ sở pháp lý nhanh chóng xử lý" - ông Nguyên khuyến cáo.