Người được lựa chọn danh hiệu "Nhà khoa học của nhà nông" có các nghiên cứu, sáng kiến cải tiến quy trình kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả cho cộng đồng.

Hội đồng giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ V công bố danh sách 56 cá nhân được vinh danh trong năm 2024. Đây là những nhà khoa học, trí thức, các nhà sáng chế và người nông dân có sáng kiến, giải pháp, quy trình kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiêu chí xét chọn dựa trên đóng góp công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị cộng đồng.

Trong số 56 nhà khoa học của nhà nông năm nay, người cao tuổi nhất là GS.TS Nguyễn Thơ, 88 tuổi, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam và trẻ tuổi nhất là kỹ sư Lương Văn Trường, 35 tuổi, Giám đốc HTX Thanh Niên Nam Đại Dương, Nam Định.

Giải pháp của kỹ sư Trường là cung cấp hạt giống nảy mầm sẵn giúp bà con nông dân dễ dàng sử dụng hạt giống, không lo bị gãy mầm hay thối hỏng như cách ngâm ủ hạt truyền thống. Giải pháp của kỹ sư Trường từng nhận giải Ba cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023 do VnExpress tổ chức.

56 tác giả được chọn 'nhà khoa học của nhà nông' năm 2024  第1张

Kỹ sư Lương Văn Trường (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người nông dân về giống lúa. Ảnh:NVCC

Trong danh sách được giải năm nay có 37 người có học hàm, học vị là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Trong số này có GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, 51 tuổi, Trưởng khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp. 28 năm qua, GS Thái Hòa theo đuổi hướng nghiên cứu chính là đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững. Nữ giáo sư tập trung nghiên cứu độ phì đất, xây dựng quy trình sản xuất các loại phân hữu cơ, sử dụng phân bón cho cây trồng. Nghiên cứu mở ra hướng mới trong ứng dụng biện pháp phi hóa học nhằm giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.

GS Hòa công bố 148 bài báo, công trình khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, trong đó 19 bài thuộc tạp chí ISI/Scopus. Chị chủ trì nhiều công trình, đề tài có tính ứng dụng cao. Trong đó có 6 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ, sở hữu 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về quy trình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh.

Hay TS Trần Đức Tường, 53 tuổi, Trường Đại học Đồng Tháp, sở hữu 21 công trình khoa học, chủ nhiệm và tham gia gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở, xuất bản 5 giáo trình và bài giảng. Một trong những nghiên cứu của TS Tường là nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ bằng lõi ngô và vỏ trấu, thay vì mùn cưa cao su, cho năng suất cao hơn và hoạt chất sinh học tốt hơn. Hiện quy trình công nghệ đã được ứng dụng tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp và một số cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhà, đồng thời sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm.

Trong số các nông dân sáng tạo có ông Võ Văn Út, 63 tuổi, Long An với giải pháp máy gieo hạt bắp có thể gieo được 1 ha trong hai giờ, tiết kiệm chi phí khoảng 20 công lao động so với cách gieo truyền thống. Hay dụng cụ gieo mè sau khi cải tiến giúp tiết kiệm chi phí công lao động hơn 2 triệu đồng/ha; máy nhổ đậu phộng giúp thu hoạch ruộng đậu nhanh trong ngày, trong 3 giờ máy nhổ được 1 ha đậu, tương đương với 30 công lao động thủ công.

Từ khối doanh nghiệp, hợp tác xã, tác giả Ngô Chí Thắng, TP HCM với các giải pháp như thiết bị sản xuất phân compost, hệ thống phân phối sản phẩm phân compost. Các giải pháp tận dụng nguyên liệu sẵn có rác thải hữu cơ; cải thiện chất lượng đất và nông sản do phân compost giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất; giảm chi phí xử lý rác thải.

Lễ tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ 5 sẽ diễn ra sáng 3/10 tại Hà Nội. Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực hiện. Kể từ lần đầu tổ chức năm 2018, đến nay đã có 301 cá nhân được vinh danh.

Như Quỳnh