Phân phòng vệ sinh thành 3 khu để tránh trượt ngã, ưu tiên nội thất tối giản, hệ thống tự động… sẽ tạo môi trường sống an toàn, thoải mái cho người lớn tuổi.
Theo KTS Phạm Thanh Truyền (Giám đốc Công ty Kiến trúc Cát Mộc), người lớn tuổi thường có phản ứng và di chuyển chậm do tuổi tác. Vì vậy, yếu tố thuận tiện và an toàn nên được ưu tiên khi thiết kế nhà.
Dưới đây là 6 điều mà các gia chủ cần lưu ý.
Bố trí các khu vực sinh hoạt hợp lý
Để giảm thiểu quãng đường di chuyển, nơi sinh hoạt của người lớn tuổi (phòng ngủ, phòng khách, vườn...) nên được bố trí gần thang máy, thang bộ... Phòng ngủ nên được thiết kế thêm phòng vệ sinh bên trong để tiện lợi cho việc sử dụng, đặc biệt vào ban đêm.
Khi thiết kế phòng ngủ cho 2 người lớn tuổi, nên tách thành 2 giường riêng biệt thay vì 1 giường đôi. Nếu 1 người trằn trọc, thức giấc giữa đêm, người còn lại sẽ không bị ảnh hưởng, ổn định giấc ngủ.
Thiết kế thang máy kết hợp thang bộ
KTS khuyên nên lắp đặt thang máy ngay cả khi nhà chỉ có 2-3 tầng. Theo chuyên gia, đây là khoản đầu tư hợp lý và có thể mang lại sự an toàn cho người lớn tuổi. Thiết bị này giúp di chuyển dễ dàng đến phòng thờ hoặc sân thượng - nơi người lớn tuổi thường thích đến để chăm sóc cây cối, thắp hương.
Còn với thang bộ, gia chủ nên tránh làm thang xoắn, chéo, có bậc hình tam giác, thang chia bậc ở nơi bẻ góc 90 độ, khó để người già và trẻ em bước lên. Cần đảm bảo bậc thang không cao quá 15 cm, bề rộng tối thiểu 26 cm để người lớn tuổi có thể bước đi nhẹ nhàng, an toàn.
Bậc thang hình tam giác không phù hợp với người lớn tuổi khi di chuyển. Ảnh: Cát Mộc Group
Phân phòng vệ sinh thành 3 khu riêng biệt
Phòng vệ sinh nên chia thành khu bồn cầu, lavabo và khu tắm ướt. Việc phân khu sẽ giúp người lớn tuổi dễ phân biệt, giảm nguy cơ trượt ngã khi di chuyển. KTS không khuyến khích sử dụng dép riêng trong nhà vệ sinh vì sẽ làm giảm độ bám của chân với sàn, khó thao tác.
Ở khu tắm, nơi thường xuyên tiếp xúc với nước, gia chủ nên chọn loại đá có bề mặt nhám để lát sàn, tăng độ ma sát, giảm trượt chân. Các khu vực khác cần lắp đặt tay nắm vịn hoặc tay nắm khẩn cấp. Hệ thống này thường được thiết kế bằng dây giật, giúp người sử dụng báo động nếu gặp tình huống khẩn cấp.
Nên tách khu vực tắm ra riêng, tránh gây ẩm ướt khu vệ sinh là giải pháp an toàn cho người cao tuổi. Tuy nhiên, không nên lắp bồn tắm nằm. Ảnh: Cát Mộc Group
Không lắp cửa mở vào trong cho nhà vệ sinh
Cửa mở vào trong sẽ gây khó khăn, bất tiện trong trường hợp cần phải phá cửa vào phòng khi có tình huống khẩn cấp. Khi cửa mở vào trong, không gian bên trong phòng tắm bị thu hẹp, khó cho người lớn tuổi di chuyển, cản trở việc phá cửa từ bên ngoài.
Thay vào đó, gia chủ nên chọn loại cửa mở ra ngoài hoặc cửa trượt cho phòng vệ sinh. Cửa trượt sẽ an toàn, tiện lợi hơn trong việc tháo lắp, sử dụng. KTS cho biết đây cũng là yêu cầu bắt buộc trong thiết kế của nhiều bệnh viện để phòng ngừa bất trắc, dễ dàng tiếp cận bệnh nhân khi cần thiết.
Lắp đặt hệ thống tự động và cảm biến ánh sáng
Thay vì công tắc truyền thống, gia chủ nên lắp đặt hệ thống cảm biến ánh sáng. Đèn sẽ tự động bật - tắt khi người lớn tuổi thức dậy vào ban đêm và di chuyển đến phòng vệ sinh. Hệ thống có giá thành trung bình, lắp đặt dễ dàng, giúp người lớn tuổi quan sát đường đi và sử dụng không gian an toàn hơn.
Ngoài ra, các thiết bị tự động cũng được ứng dụng để giảm bớt việc người lớn tuổi phải thao tác quá nhiều. Ví dụ, gia chủ có thể lắp thêm thùng rác tự động mở khi đưa tay tới gần, thay vì phải đạp chân để mở nắp. Các thiết bị như vòi rửa, bồn cầu cũng nên có chức năng tự động để tăng cường tiện nghi và an toàn.
Tối giản nội thất
Gia chủ nên tránh các thiết kế nhiều góc cạnh, nhọn mà nên sử dụng hình thức bo tròn, cong mềm mại để giảm nguy cơ bị va đập. Các góc, cạnh cần có đệm cao su bảo vệ để tránh chấn thương, đặc biệt là cạnh lavabo.
Hạn chế bày biện quá nhiều đồ đạc trong không gian, chỉ trưng dụng những vật dụng cơ bản và cần thiết. KTS khuyên nên đảm bảo các đồ vật được gắn cố định, hạn chế nguy hiểm cho người lớn tuổi, tầm nhìn hạn chế có thể vấp ngã.
Bình Nghi
Đăng thảo luận