GDP năm 2024 tăng 6%, lạm phát ổn định ở 4%
Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á diễn ra ngày 25/9, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB) Shantanu Chakraborty cho biết: kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu.
Quang cảnh Họp báoCụ thể, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi cầu bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực ngày càng lớn. Tính đến tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 89 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng ấn tượng này không chỉ cho thấy sự mở rộng về quy mô mà cả việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế.
"Công nghiệp định hướng xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Các đơn đặt hàng mới dần quay trở lại và tiêu dùng phục hồi đã khôi phục tăng trưởng sản xuất trong nửa đầu năm 2024 và đà tăng mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong cả năm" - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty chia sẻ.
Bên cạnh đó, xây dựng sẽ tiếp tục tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo kế hoạch; dự kiến dịch vụ sẽ tiếp tục tăng 6,6% nhờ sự phục hồi của du lịch và các dịch vụ liên quan; còn nông nghiệp hưởng lợi từ giá lương thực tăng và được kỳ vọng tăng 3,4% trong năm 2024.
Thương mại hồi phục và dòng vốn FDI tích cực cũng là yếu tố đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu đã có sự phục hồi mạnh mẽ, lần lượt tăng 15,8% và 17,7% so với mức nền thấp của 8 tháng đầu năm 2023; vốn FDI đăng ký đã đạt 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng như báo cáo hồi tháng 4, cơ quan này cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước những bất ổn của môi trường bên ngoài, do đó giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm nay tại 6% và năm sau là 6,2%. Lạm phát cũng được kỳ vọng ổn định ở mức 4%.
Tăng đầu tư công, nới lỏng chính sách tiền tệ
Trước đó, hôm 15/9, Bộ KH&ĐT ước tính, bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.
Trong ngắn hạn, ADB cho rằng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro, gồm vấn đề về cấu trúc kinh tế, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ tăng và thiên tai. Những yếu tố này có khả năng tác động đến xuất khẩu, sản xuất và việc làm. Xuất khẩu nửa cuối năm vì thế được dự báo khó giữ được mức tăng trưởng cao.
Dù vậy, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng với Việt Nam. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, lý giải con số này được họ đưa ra dựa trên kết quả nửa đầu năm cũng như các chính sách hiện tại và là số liệu "có thể đạt được". "Tôi cho rằng với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng từ bão Yagi, đây sẽ là cơ hội để chính phủ đẩy mạnh tiêu dùng và đầu tư công", ông nói.
Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho rằng "cơ chế phục hồi tốt nhất trong ngắn và trung hạn là thông qua bảo hiểm và ngân sách". Ví dụ, đưa đầu tư công vào phục hồi cơ sở hạ tầng sau thiên tai, hay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, ông Shantanu Chakraborty khuyến nghị, điều hết sức quan trọng đó là Việt Nam cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp với sự cân bằng hơn giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện. Cầu bên ngoài yếu hơn kỳ vọng đòi hỏi tiếp tục các biện pháp chính sách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm kích thích cầu nội địa. Việt Nam cần tiếp tục chính sách hỗ trợ tài khóa và gia tăng đầu tư công để góp phần kích cầu hơn nữa trong nửa cuối năm 2024, trong đó đầu tư công giữ vai trò then chốt đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ nới lỏng phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực hiện chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh tế. Chính sách tiền tệ sẽ theo đuổi mục tiêu kép là ổn định giá cả và tăng trưởng, cho dù không gian chính sách bị hạn chế. Chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào 2 mục tiêu ổn định giá cả và hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù không gian chính sách hạn chế. Bất kỳ biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung nào cũng nên được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, cùng với việc đẩy nhanh cải cách thể chế để hỗ trợ nền kinh tế. “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ, song năng lực thực hiện chính sách này đã bị hạn chế đáng kể. Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tài khóa, tăng cường giải ngân đầu tư công và cải cách quản lý nhà nước hơn nữa để giảm bớt gánh nặng lên chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy nền kinh tế”, vị chuyên gia của ADB nhấn mạnh.
Đăng thảo luận