Đừng tưởng bão quét qua rồi xong, mà hãy lưu ý với những trận mưa kinh hoàng giội xuống các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là vùng núi. Những đồi núi 'no' nước, sẵn sàng sạt lở, đổ ầm xuống bất cứ lúc nào.

Bão qua, sợ nhất sạt lở núi vùng cao  第1张

Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích vụ sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam sau bão số 9, tháng 10-2020 - Ảnh: LÊ TRUNG

Dân vùng núi lưu ý gì?

Những trận bão kèm theo cuồng phong và gây mưa lớn. Đối với đồng bằng, phố thị, những dãy nhà cao tầng thì người dân ít lo bởi sự an toàn trước gió bão.

Nhưng vùng núi thì đừng chủ quan. Bão vào, mưa như trút. Sau khi bão tan, hoàn lưu của bão cũng sẽ gây mưa lớn trong những ngày sau đó.

  • Bão qua, sợ nhất sạt lở núi vùng cao  第2张

    Nỗi lo sạt lở đất nhìn từ thảm cảnh Trà LengĐỌC NGAY

Những đồi núi thấm no nước, đặc biệt là những đồi trọc hoặc trồng keo lá tràm bởi khả năng giữ nước là vô cùng yếu. Đất thấm nước mềm nhũn, có thể nứt vỡ, sạt lở như hiểm họa treo trên đầu.

Miền Trung là vùng đất hằng năm thường gánh những cơn bão lớn, đã có nhiều trận sạt lở núi kinh hoàng khi bão vào khiến nhiều người chết, mất tích như các vụ Trà Leng, Phước Sơn (Quảng Nam), Rào Trăng (Thừa Thiên Huế) trong cơn bão số 9 năm 2020.

Trước khi bão vào, việc đầu tiên của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng là phải kiểm tra. 

Kiểm tra những nơi hiểm yếu, có nguy cơ cao về sạt lở núi, lũ quét, những ngôi nhà, bản làng ở dưới những đồi núi, khe suối, hoặc những khu đồi trọc ít cây rừng. Đây có thể là nơi nguy cơ dễ bị sạt lở núi khi bão vào, mưa lớn kéo dài.

Bão qua, sợ nhất sạt lở núi vùng cao  第3张

Tìm kiếm người mất tích vụ sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam sau bão số 9, tháng 10-2020 - Ảnh: LÊ TRUNG

Việc thứ hai là có phương án chủ động di dời, sơ tán dân vùng nguy cơ. Có thể là trụ sở xã, trường học, những nơi an toàn không bị sạt lở bủa vây. Chờ khi bão tan, mưa ngưng tạnh, trời êm, an toàn thì mới cho người dân về lại nhà.

Người dân vùng núi cao cũng chú ý. Trong và sau bão, trời còn mưa như trút thì không nên ra khỏi nhà, những ngôi nhà ở nơi nguy cơ cao về sạt lở núi thì hãy tìm những nơi an toàn nhất để trú ngụ chờ mưa bão tạnh.

Nghiêm cấm việc livestream, chụp ảnh, quay phim khi bão đến, mưa to gió lớn bởi hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Bài học sạt lở Trà Leng cũng còn ngay trước mắt. Bão số 9 vào, ngọn núi ở làng bị sạt lở khối lượng lớn kèm theo những tảng đá khổng lồ chặn ngang con suối. Dòng nước bị chặn thì tức, tạo thành một quả bom nước khổng lồ.

Khi quả bom nước bị vỡ thì dòng nước tràn vào khu dân cư, cuốn phăng ngôi làng và người dân. Thời điểm đó những người chạy lên đồi cao lánh nạn, nhưng cũng có người ra đứng chụp ảnh, quay phim thì bị cuốn trôi theo dòng nước.

Bão qua, sợ nhất sạt lở núi vùng cao  第4张

Vụ sạt lở Trà Leng làm nhiều người chết và mất tích - Ảnh: LÊ TRUNG

Đừng bạc đãi núi rừng

Chúng ta chẳng biết được sự giận dỗi của thiên nhiên sẽ trỗi dậy lúc nào để có thể phòng tránh tốt nhất. Tuy nhiên cảnh giác, không chủ quan sẽ giúp giảm được thiệt hại nhất có thể.

Nhiều năm nay tác nghiệp mưa bão, đi qua những vùng núi cao, tôi chưa bao giờ thấy những quả núi còn rừng nguyên sinh mà bị sạt lở cả. Chuyện chỉ xảy đến ở nơi có sự tác động của bàn tay con người.

Thiên nhiên cuồng nộ và hậu quả tang thương là một bài học về sự bạc đãi núi rừng. Cây rừng bị đốn hạ, đốn trọc, thay vào đó là cây keo, mà loại cây này không giữ được nước, sạt lở là điều có thể xảy ra.

Còn đó bao nỗi lo về thời tiết cực đoan. Những vụ sạt lở núi thiệt hại nặng nề về người và của còn đó, nỗi đau vẫn chưa nguôi. 

Bởi vậy sự cảnh giác, đối mặt và có những biện pháp đối phó, chẳng hạn như sơ tán dân những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến trú ẩn ở những nơi an toàn ngày mưa bão của chính quyền là một việc làm cần thiết. 

Và sự chủ động, không chủ quan của người dân là điều quan trọng trên hết.