Từng có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường camera giám sát, camera nhập lậu đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh, nhường chỗ cho các sản phẩm chính hãng, an toàn.

Trước đây, thị trường camera giám sát Việt Nam từng bị chi phối bởi các sản phẩm nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những sản phẩm này thường có giá thành rẻ hơn so với hàng chính hãng do không phải chịu thuế và giảm bớt được nhiều chi phí liên quan.

Với lợi thế về giá so với hàng được nhập khẩu chính ngạch, camera giám sát xách tay thu hút được sự quan tâm của một bộ phận người tiêu dùng muốn tiết kiệm chi phí.

Tuy vậy, thời gian gần đây, thị trường camera giám sát Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển biến rõ rệt khi các sản phẩm nhập lậu theo đường tiểu ngạch, thường được gọi là hàng "lăn đồi, cắp nách" đã dần trở nên vắng bóng. 

Camera nhập lậu, “lăn đồi, cắp nách” dần vắng bóng khỏi thị trường Việt Nam  第1张 Người dùng Việt Nam đang có xu hướng quan tâm hơn tới các dòng camera giám sát Wi-Fi với những tính năng thông minh như cảnh báo cháy, cảnh báo rơi vỡ,... Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của công ty KBT - một đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối camera cho biết, thị phần camera giám sát xách tay tại Việt Nam đã bắt đầu suy giảm trong khoảng 3 năm trở lại đây. 

Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của vấn đề bảo mật. Các sản phẩm camera giám sát nhập lậu thường không có chế độ bảo hành sau bán hàng, đi kèm với đó là những rủi ro tiềm ẩn về an toàn thông tin. Điều này đã dẫn đến những lo ngại của người sử dụng.

Việc sử dụng camera giám sát không chính ngạch có thể dẫn đến nguy cơ người dùng bị xâm nhập, đánh cắp dữ liệu hoặc bị theo dõi trái phép.

Trong bối cảnh vấn đề an ninh mạng ngày càng phức tạp, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng và được hỗ trợ cập nhật thường xuyên.

Yếu tố quan trọng dẫn đến sự suy giảm thị phần camera giám sát nhập lậu là khoảng cách giá giữa hàng xách tay và hàng chính hãng đã dần thu hẹp.

Từ góc nhìn của một nhà sản xuất, ông Vũ Mạnh Giỏi, đại diện Dahua Việt Nam cho biết, nhằm giảm thiểu tình trạng camera giám sát nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị này đã điều chỉnh mức giá sản phẩm để phù hợp hơn với thị trường Việt Nam.

Khi khoảng cách về giá không còn quá lớn, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua sản phẩm chính hãng để được hưởng các dịch vụ hậu mãi và đảm bảo hơn về chất lượng.

Bị mất đi lợi thế cạnh tranh, các đơn vị nhập khẩu camera giám sát theo đường tiểu ngạch bắt đầu chuyển dần việc kinh doanh sang các dòng sản phẩm chính hãng. 

Những năm gần đây, số lượng camera giám sát hàng tiểu ngạch đang ít dần. Các sản phẩm không chính ngạch cũng bị loại bỏ dần và hiện chỉ còn chiếm tỷ lệ rất ít trên thị trường camera giám sát. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, thực tế thị trường cho thấy, việc các đại lý chủ động nhập khẩu camera xách tay đến thời điểm hiện tại gần như đã không còn, nếu có, cũng chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ, với số lượng không đáng kể.

Các đại lý cũng bắt đầu nhận thấy việc bán hàng chính hãng giúp họ giảm thiểu rủi ro pháp lý có thể xảy đến trong tương lai.

Bên cạnh sự thay đổi từ phía nhà sản xuất và cả người tiêu dùng, nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các sản phẩm camera giám sát không chính ngạch. 

Trong bối cảnh thị trường camera giám sát đang phát triển nóng, để giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.

Đây là các khuyến nghị và yêu cầu kỹ thuật an toàn thông tin mạng cơ bản, áp dụng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera. 

Trong bộ tiêu chí này, có một số điều khoản đáng chú ý như, dữ liệu từ camera và dịch vụ liên kết phải có tính năng cho phép thiết lập, cấu hình địa điểm xử lý, lưu trữ và khai thác dữ liệu tại Việt Nam…

Những yêu cầu này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường mà còn tạo ra một rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm nhập lậu không đáp ứng các tiêu chuẩn.

Nhìn về tương lai, ông Vũ Mạnh Giỏi nhận định, thị trường camera giám sát Việt Nam đang tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn giá trị.

Giờ đây, người dùng không chỉ lắp đặt camera phục vụ cho mục đích giám sát mà họ còn có mong muốn sử dụng các tính năng thông minh hơn như gọi điện, phát hiện đám cháy hay trông em bé. 

Tỷ lệ camera giám sát trên mỗi người dân và trên mỗi hộ gia đình tại Việt Nam đang tăng lên. Nếu như trước đây, mỗi gia đình chỉ cần có 1-2 camera giám sát thì giờ đây do chi phí camera giám sát ngày càng rẻ, số lượng camera giám sát trong mỗi hộ gia đình và giá trị của chúng đang không ngừng tăng lên”, đại diện Dahua Việt Nam cho hay. 

Nhìn chung, sự vắng bóng dần của các sản phẩm "lăn đồi, cắp nách" cho thấy thị trường camera giám sát Việt Nam đang chuyển mình theo chiều hướng tích cực. 

Người tiêu dùng ngày càng thông thái hơn, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm chất lượng, an toàn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Các doanh nghiệp cũng nhận thức được lợi ích của việc tuân thủ pháp luật, từ đó góp phần vào việc xây dựng nên một thị trường camera giám sát phát triển an toàn, bền vững.

Camera nhập lậu, “lăn đồi, cắp nách” dần vắng bóng khỏi thị trường Việt Nam  第2张 Ngày 6/8 được chọn là Ngày An ninh mạng Việt NamThủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 6/8 hàng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam. Bộ Công an sẽ chủ trì tổ chức Ngày An ninh mạng Việt Nam.