Chuyên gia khuyến nghị điều chỉnh giá điện theo thị trường, tính đúng, đủ để đảm bảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Tại tọa đàm về thu hút đầu tư vào ngành điện do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhận định giá điện hiện chưa theo cơ chế thị trường. Ông dẫn chứng các nguyên liệu đầu vào như dầu, than, khí đều theo giá thế giới, nhưng giá điện đầu ra không phản ánh đúng chi phí này.
"Thực tế, có lúc giá giữ nguyên trong 4 năm, đến khi điều chỉnh lại không tính đúng, đủ chi phí đầu vào", ông nói, cho rằng việc này dẫn tới ngành điện gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, phát triển nguồn và lưới.
Hai năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ khoảng 47.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này trong năm ngoái gần 26.000 tỷ. 2023 cũng là năm thứ hai EVN lỗ từ sản xuất kinh doanh điện.
Cùng với đó, ông Thỏa cho rằng giá điện đang phải gánh "nhiệm vụ đa mục tiêu", gồm bù đắp chi phí, khuyến khích đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, tình trạng bù chéo kéo dài giữa các nhóm dùng điện sinh hoạt (bậc cao với bậc thấp), sinh hoạt với sản xuất, giữa vùng, miền... chưa được xử lý.
"Có những mục tiêu ngược chiều nhau, khó hài hòa. Cơ quan quản lý cần tính toán lại để đảm bảo đúng vai trò của giá điện", ông Thỏa nói, thêm rằng không có lộ trình xử lý rõ ràng những tồn tại này khi sửa luật, sẽ khó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.
Ở khía cạnh này, theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, khi giá điện điều hành theo hướng đa mục tiêu, người bán lớn nhất cho hộ tiêu dùng cuối cùng là EVN. Trong khi đó, cơ cấu sở hữu nguồn hiện nay, EVN (gồm các Tổng công ty phát điện - Genco 1, 2 và 3) có khoảng 37% tổng nguồn điện; PVN, TKV và các nhà máy BOT nắm 20%; tư nhân 42% và còn lại nhập khẩu. Tức là, tập đoàn này phải đi mua nhiều nơi để đảm bảo đủ điện, họ phải chấp nhận lỗ, nguy cơ Nhà nước mất vốn, theo ông Hồi.
"Việc không có lợi nhuận sẽ không đảm bảo nguồn vốn, dòng tiền để tái đầu tư. Khi đó, khả năng thiếu điện có thể tiếp tục xảy ra", ông Hồi nói. Thậm chí, theo ông, nếu EVN bị lỗ nhiều quá, mất khả năng thanh toán còn kéo theo những doanh nghiệp khác bán điện cho tập đoàn này bị ảnh hưởng. "Quy hoạch điện VIII rất đồ sộ, tham vọng, nhưng nếu tiếp tục điều hành giá như hiện nay, việc thực hiện quy hoạch này rất xa vời", ông Hồi nói thêm.
PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc phát biểu tại tọa đàm, ngày 20/8. Ảnh: VGP
Thực tế, theo Quy hoạch điện VIII, công suất hệ thống điện đạt 59.318 MW vào 2025, tăng hơn 10.000 MW so với hiện nay. Mức công suất này sẽ tăng lên 90.512 MW vào 2030 và đạt hơn gấp đôi vào 2050. Trong đó, tới năm 2030, công suất điện gió trên bờ khoảng 21.880 MW, điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm 2.600 MW, thủy điện 29.346 MW... Việt Nam sẽ cần gần 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến 2030. Nhu cầu vốn cho phát triển nguồn, lưới tăng lên 399-523 tỷ USD vào 2050, trong đó trên 90% dành cho xây mới các nguồn điện, còn lại là lưới truyền tải.
Chuyên gia Bùi Xuân Hồi cho rằng vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành. "Nếu tách dần những hoạt động công ích và thị trường, cơ chế điều tiết giá sẽ phù hợp hơn", ông nhận định. Trường hợp không thể thực hiện ngay, ông cho rằng "giá vẫn phải dần hướng đến thị trường".
Chẳng hạn, khi xây dựng cơ cấu biểu giá từ năm 2014, sản xuất được ưu tiên phát triển nên giá cho lĩnh vực này thấp, được cân bằng lại bằng cách đẩy giá điện kinh doanh lên. "Sau đó, bắt buộc phải điều tiết dần, ưu tiên cho sản xuất dần giảm, trả đúng vai trò của hộ sản xuất", ông nói.
Ông Hồi cũng lưu ý khi có cơ cấu biểu giá phù hợp, chi phí tính đúng, đủ, nhà chức trách cần điều hành theo giá thành. Ông dẫn ví dụ số liệu EVN đã kiểm toán và công bố năm 2023, giá thành điện là 2.032 đồng một kWh nhưng mức bán lẻ bình quân hiện là 2.006 đồng. Tức, giá bán lẻ bình quân đang thấp hơn chi phí sản xuất, cung ứng điện.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng giá tác động đến ngành năng lượng, ảnh hưởng tới vận hành, tái cấu trúc nền kinh tế. Bởi, giá này được điều hành hợp lý sẽ thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm. Cùng với đó, cơ chế tài chính cần minh bạch hơn, tăng cạnh tranh trong tất cả các khâu sản xuất, phân phối... điện. Việc này giúp kiểm soát độc quyền, người tiêu dùng có cơ hội hưởng giá cạnh tranh hơn.
Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng như hiện hành. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều hành giá bán lẻ điện, trong đó nêu thẩm quyền các cơ quan theo từng mức điều chỉnh. Thời gian điều chỉnh giá cũng được rút xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng hiện nay.
Việc luật hóa này, theo các chuyên gia, giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh kịp biến động thực tế, chi phí sản xuất, bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. "Xăng dầu hiện được điều hành giá một tuần một lần, điện có thể không làm được như vậy. Tuy nhiên, từ quyết định của Thủ tướng trở thành Nghị định của Chính phủ để 3 tháng điều chỉnh 1 lần sẽ ổn định hơn", ông Hồi góp ý.
Phương Dung
Đăng thảo luận