Sau khi đứa con 8 tuổi được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cứu sống, chị Nguyễn Thị Ngọc Dựa mong muốn có thể trao gửi điều gì đó đến các bệnh nhi đang điều trị tại đây.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dựa tranh thủ thời gian rảnh móc nón len tặng các cháu bé tại bệnh viện - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Chị Ngọc Dựa (36 tuổi, ở xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có ba con, bé thứ hai tên T. (8 tuổi) bị bệnh tim bẩm sinh, thận đôi và chậm phát triển tâm thần vận động. Do bệnh tật kéo dài, bé T. phải nhập viện nhiều lần, sức khỏe ngày càng suy kiệt.
Mỗi chiếc nón tặng cho các bé, mình mong đó là những liều thuốc tinh thần giúp các bé vượt qua những vấn đề sức khỏe hiện tại, cha mẹ nhẹ đi phần nào nỗi lo lắng.Chị Nguyễn Thị Ngọc Dựa
Hơi ấm trao tặng từ những chiếc nón len
Mới đây, bé T. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết và viêm phổi nặng.
Hơn 30 ngày được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang điều trị tích cực, bé T. đã qua cơn nguy kịch. Hiện bé có thể tự thở, ăn uống trở lại và đang tiếp tục được các bác sĩ chăm sóc, điều trị cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
Trong thời gian chăm sóc con ở khoa hồi sức tích cực, chống độc nhi của bệnh viện, chị Dựa thấy các bé sơ sinh cần có nón len để giữ ấm đầu, đồng thời nón len có thể giúp cố định dây thở oxy tốt hơn. Vì thế, chị quyết định móc đan những chiếc nón len để tặng các bé.
"Khi nhìn các bé phải thở oxy và truyền dịch sử dụng băng keo để cố định, tôi thấy da của các bé bị ửng đỏ lên trông rất thương. Nên tôi có ý tưởng móc nón len để các bé đội, một phần giữ ấm, một phần cố định dây oxy để các bé thở được dễ dàng hơn. Bên ngoài rất khó mua các nón len như thế này vì đa số các bé là trẻ sinh non, rất nhỏ ký" - chị Dựa kể.
Chị Dựa nói ý định của mình và nhờ các chị điều dưỡng đo kích thước vòng đầu của từng bé; sau đó tự tay móc đan những chiếc nón len, phù hợp với cân nặng khác nhau của các bé từ 1 - 3kg.
Đến nay, chị Dựa đã làm được gần 50 chiếc nón len. Những chiếc nón len này rất khó tìm mua vì được làm cho phù hợp với từng trẻ, thuận tiện trong việc nuôi ăn, truyền dịch, vệ sinh cho trẻ hằng ngày.
Và quan trọng hơn cả tác dụng thiết thực ấy, những chiếc nón còn là tấm lòng của sự chia sẻ yêu thương giữa những người cha, người mẹ cùng cảnh ngộ chăm sóc con tại bệnh viện.
Góp thêm niềm lạc quan
Bé T. vẫn còn điều trị ở bệnh viện. Bất kể đêm hay ngày, những lúc rảnh chị Dựa lại ngồi lặng lẽ ở một góc phòng móc đan nón cho trẻ.
Nói về người mẹ trẻ vừa chăm con nhập viện, vừa móc nón len tặng trẻ sơ sinh ấy, bác sĩ Võ Loan Anh - phụ trách khoa hồi sức tích cực, chống độc nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang - chia sẻ: "Tôi rất cảm phục chị Dựa, dù đang chăm sóc đứa con, thời gian khá eo hẹp nhưng chị vẫn sắp xếp để làm nón tặng các bệnh nhi khác".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dựa tặng nón len cho các cháu bé tại bệnh viện - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Việc làm thầm lặng của chị Dựa không chỉ lan tỏa cảm xúc trong cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, mà còn đối với thân nhân người bệnh.
Những chiếc nón nhỏ xíu nhưng ấm áp đó đã góp thêm một bầu không khí đầy tình yêu thương ở khoa hồi sức tích cực, chống độc nhi - một nơi vốn rất căng thẳng vì có nhiều ca bệnh nặng.
Và những việc làm tưởng nhỏ mà không nhỏ ấy cũng lặng lẽ gieo nên những điều tích cực, khi những người làm cha làm mẹ phải canh cánh gánh nặng mối lo bệnh tật của con, cả bao vất vả trong quá trình chăm bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Quang Thành - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang - nói việc làm của chị Dựa thực sự là một liều thuốc tinh thần quý giá.
"Những chiếc nón của chị Dựa thể hiện tấm lòng của những bà mẹ luôn yêu thương vô bờ bến đối với các con.
Việc làm này cũng là liều thuốc tinh thần, lan tỏa yêu thương, giúp các bà mẹ có con đang điều trị tại bệnh viện thêm niềm lạc quan và cũng góp phần trong việc chăm sóc, điều trị trẻ mau lành bệnh" - ông Thành nói.
Đăng thảo luận