Có thể áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép cán nóng nhập khẩu
Thép cán nóng nhập khẩu tăng mạnh, song giá trị kim ngạch lại giảm cho thấy dấu hiệu của việc bán phá giá, gây tổn hại đến sản xuất trong nước. Trong đó, có động thái của Bộ Công Thương có hay không áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu giá rẻ? là vấn đề được các phóng viên đặc biệt quan tâm.
Thép cán nóng nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Ảnh minh họaPhó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung cho biết: ngày 26/7, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ - BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc
Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do các công ty sản xuất trong nước nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) đã tiến hành xem xét, đề nghị bên yêu cầu bổ sung thông tin, làm rõ một số nội dung cáo buộc trong hồ sơ và tiến hành thẩm định theo quy định.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bên cạnh thông tin do các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp, Cơ quan điều tra nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp sản xuất thép mạ và ống thép đang sử dụng thép cán nóng làm nguyên liệu. Đối với các ý kiến này, Cơ quan điều tra sẽ xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng trong quá trình điều tra vụ việc trên cơ sở các dữ liệu được Cơ quan điều tra thu thập và xác minh và sẽ được phản ánh trong kết luận điều tra.
“Hiện nay, cơ quan điều tra đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá: mức độ bán phá giá; thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nóng trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Dự kiến, trong tháng 11/2024, sẽ có kết quả điều tra sơ bộ; nếu có dấu hiệu bán phá giá, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp tạm thời (áp thuế tạm thời).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện tại lượng thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam đã vượt qua sản lượng sản xuất trong nước, Bộ Công Thương mở cuộc điều tra là phù hợp với các quy định quốc tế cũng như Việt Nam. Việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá hay không hoặc ở mức độ như thế nào sẽ tùy thuộc vào kết quả điều tra. Tuy nhiên, Bộ luôn có quan điểm nhất quán là phải bảo vệ sản xuất trong nước nói chung và sản xuất thép, sản phẩm HRC nói riêng.
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới tiệm cận với thị trường, giảm nấc trung gian
Hiện nay, Bộ Công Thương lấy ý kiến lần 3 về Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới, thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây (Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Nghị định 80/2023/NĐ-CP) để tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, đến nay, dự thảo vẫn nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cũng như các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với những ý kiến trái chiều.
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được xây dựng tiệm cận với thị trường và giảm nấc trung gian. Ảnh minh họa.Đáng chú ý, phía các thương nhân phân phối kiến nghị, dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu không nên cấm thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán hàng của nhau.
Trả lời về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết: cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, xây dựng rất kỹ lưỡng dự thảo Nghị định mới với mục tiêu để kinh doanh xăng dầu tiến sát với cơ chế thị trường, đồng thời giảm chi phí, cắt bớt nấc trung gian. Đây cũng được coi là giải pháp dài hơi nhằm tăng cường minh bạch, công bằng và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ông Phan Văn Chinh cũng khẳng định: Cơ quan soạn thảo cũng hoàn toàn không có phân biệt đối xử đối với các loại hình doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu. Bởi lẽ, điều kiện quy định với mỗi loại hình doanh nghiệp là khác nhau và từng phân khúc (đầu mối, phân phối, bán lẻ) có điều kiện kinh doanh khác nhau.
Dự thảo Nghị định mới cũng không cấm thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán hàng của nhau. Chẳng hạn, dự thảo Nghị định không quy định việc treo biểu nhãn hiệu, logo… vì nội dung này là các doanh nghiệp tự trao đổi với nhau, Nhà nước không can thiệp...
Đăng thảo luận