Hậu Giang:

Cả xóm rủ nhau trồng loại cây chỉ bán lá mà phất lên, thoát nghèo

(Dân trí) - Tuy không còn được sử dụng phổ biến như xưa nhưng lá trầu vẫn giúp bà con ở huyện Vị Thủy, Hậu Giang vươn lên thoát nghèo. So với trồng lúa, trồng trầu có thu nhập ổn định, giá thấp vẫn không bị lỗ.

Không phải cây lúa hay chăn nuôi gia súc, gia cầm, những lá trầu xanh mướt mắt chính là sinh kế giúp bà con ở làng trầu Vị Thủy (xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) thoát nghèo, nuôi con cái ăn học thành tài hàng chục năm nay. 

"Vương quốc lá" ở miền Tây giúp nông dân thoát nghèo (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trầu Vàng cho biết, cây trầu được trồng ở Vị Thủy từ rất lâu nhưng phổ biến từ sau năm 1975. Do tục ăn trầu và têm trầu để cúng trong các ngày trọng đại, cưới hỏi nên việc kinh doanh trầu của bà con rất thuận lợi. Nhiều người "rủ" nhau trồng loại cây leo cho lá để "ăn chơi" này và làng trầu Vị Thủy cũng ra đời từ đó. 

"Dây trầu rất dễ sống, khi trồng chỉ cần lên liếp đắp rơm rạ để đất ẩm có độ tơi xốp. Dây trầu quá dài thì cắt ngọn ghim xuống đất lại có thêm dây mới. Mỗi năm chỉ cần thay nọc trầu (trụ để dây trầu bám vào) một lần, không cần phải thay dây, nên vòng đời của cây trầu khá lâu", ông Đời nói. 

Làng trầu có khoảng 200 hộ sản xuất (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cứ 1.000m2 đất, nông dân có thể trồng khoảng 1.000 nọc trầu. Nọc trầu làm bằng cây tràm, vì thân tràm giúp trầu bám rễ, phát triển tốt.

Sau 3-4 tháng xuống giống, dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, cứ thế khoảng 10 ngày hái 1 lần. Đặc biệt cây trầu chỉ ưa các loại phân hữu cơ, muốn lá trầu to, bóng đẹp thì sau khi thu hoạch nên tưới thêm phân. 

"Lá trầu cho thu hoạch quanh năm. So với mọi năm, giá trầu năm nay tăng lên đáng kể, một ốp trầu (40 lá) có giá 6.000 đồng, cứ đà này đến Tết có thể tăng lên 10.000 đồng/ốp", Giám đốc HTX Trầu Vàng phấn khởi dự đoán. 

Cứ 10 ngày nông dân hái trầu 1 lần (Ảnh: Bảo Kỳ).

Hiện, HTX có 22 hộ thành viên, diện tích trồng 16ha. Bình quân mỗi hộ có từ 1.000 đến 5.000m2 đất trồng trầu. Tính ra mỗi năm các hộ trồng trầu kiếm từ 100 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Bên cạnh việc tạo nguồn thu cho chủ vườn, trầu còn là "cần câu cơm" của lao động nông nhàn ở địa phương. 

Bà Sáu (người hái trầu thuê) cho biết, mỗi ngày bà bắt đầu hái trầu từ 6h sáng kết thúc khoảng 11h trưa. Thông thường người hái trầu sẽ làm theo nhóm, đến cuối, buổi dựa vào số trầu thu hoạch được mới chia tiền công cho từng người. 

"Bình quân mỗi ngày chúng tôi hái khoảng 600 ốp nếu chia ra được 120.000 đồng/người. Thu nhập so với đi dặm lúa mướn có thấp hơn nhưng công việc này làm gần nhà, không phải chịu nắng nhiều", bà Sáu nói. 

Do dây trầu leo cao, để hái được lá trên ngọn, người thợ cần bắc thang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trầu là loại cây đặc biệt được sử dụng cho mục đích ăn lá tươi và làm lễ vật trong các phong tục cưới hỏi, nên sản phẩm tiêu thụ chủ yếu hiện nay là lá trầu tươi. Ngoài ra, lá trầu Vị Thủy còn được tiêu thụ mạnh ở thị trường Đài Loan từ năm 2015. 

"Chúng tôi cung cấp lá trầu thông qua một đơn vị trung gian, nơi thu mua lá trầu rồi đóng gói xuất khẩu qua Đài Loan. Sản lượng cung cấp 10.000 ốp tương đương 400.000 lá trầu mỗi tháng", ông Đời thông tin. 

Trao đổi với PV, ông Lê Vũ Phương - Chủ tịch Hội nông dân xã Vị Thủy cho biết, làng nghề trồng trầu giúp nhiều hộ ở địa phương vươn lên thoát nghèo, có điều kiện nuôi con cái ăn học. Đặc biệt, tỉnh đã có chương trình phát triển du lịch cho làng trầu Vị Thủy, mở rộng đường sá nhằm thu hút du khách đến tham quan. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp bà con vừa quảng bá được nét văn hóa của làng nghề truyền thống vừa mở thêm cơ hội phát triển kinh tế địa phương.