Để giữ giá cạnh tranh, nhiều người kinh doanh chọn cách dễ nhất là giảm tiền lương nhân viên.
"Nếu ai có hướng muốn kinh doanh đều biết chi phí mặt bằng hiện tại nó cao vô lý đến thế nào. Để giữ giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh thì người chủ đành phải tìm cách giảm chi phí khác mà dễ nhất là giảm tiền lương cho nhân viên xuống hết mức có thể.
Mặc khác, chi phí mặt bằng cao làm nhiều người không giải quyết được bài toán sinh tồn ban đầu khi khởi nghiệp nên thất bại hoặc không dám thử. Ít người khởi nghiệp thì sẽ ít có việc làm mới được tạo ra.
Cả xã hội chen chúc với nhau trong một số lượng việc làm ít ỏi nên đương nhiên lương sẽ càng thấp xuống so với tốc độ trượt giá. Và do nhiều người sống quá thiếu thốn, họ cần tiền nên dù họ biết mức lương thấp bèo thì vẫn có người nhận làm.
Có bạn còn đề xuất nâng lương tối thiểu theo giờ lên 30 nghìn đồng một giờ. Điều này rất tốt cho người lao động nhưng nếu bạn là chủ thì với mức lương đó, để bảo đảm không đóng cửa, bạn bắt buộc phải giảm chất lượng sản phẩm để tạm duy trì việc kinh doanh trước khi khách hàng bỏ đi hết hoặc tăng giá bán lên để khách hàng bỏ đi ngay.
Thật ra người làm chủ hiện tại nhất là các ông bà chủ doanh nghiệp nhỏ không hề sung sướng gì khi hầu hết tiền lời đều phải trả cho tiền mặt bằng đắt một cách vô lý bởi giá đất cao một cách vô lý.
Vậy nên chỉ cần đưa giá đất và giá thuê về mức độ hợp lý thì tiền lương lao động sẽ tăng lên, người lao động có tiền sẽ mua sắm và làm nền kinh tế phát triển. Khi đó thì giá đất sẽ tăng một cách hợp lý và bền vững. Không như hiện tại, buôn bán khó khăn, thu nhập ngày càng không đủ bù trượt giá mà giá đất vẫn một đường leo thang bất chấp".
Độc giả nickname Winter bình luận như trên, đưa quan điểm cho rằng sở dĩ tiền lương làm thêm của sinh viên nói riêng và người lao động nói chung còn thấp vì giá thuê mặt bằng quá cao. Bình luận này được viết sau bài Sinh viên đi làm thêm nhận lương chỉ 17.000 đồng một giờ.
*Quan điểm của bạn thế nào, chia sẻ bài viết tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp
Đăng thảo luận