Một số tỉnh miền Bắc bị bão lũ gây thiệt hại nặng nề, nên rất cần sự chung tay góp sức, cưu mang đùm bọc nhau khi hoạn nạn. Đó cũng là nghĩa cử bao đời nay của đồng bào ta.

Giúp người trong bão lũ, nghĩa cử bao đời của Việt  第1张

Đại diện báo Tuổi Trẻ miền Bắc trao suất quà cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến với người dân vùng lũ Yên Bái chiều 10-9 - Ảnh: HÀ THANH

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, trong những ngày này cả nước đang hướng về các tỉnh phía Bắc, đang bị cơn bão số 3 (bão Yagi) và lũ quét tàn phá.

  • Đã có 201 người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ

Dõi theo từng các hoạt động cứu trợ hướng về miền Bắc, bạn đọc Nguyễn Đức Huy cho rằng đây chính là lúc cộng đồng người Việt thể hiện nghĩa đồng bào, cưu mang đùm bọc nhau khi hoạn nạn.

Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Nguyễn Đức Huy.

Tấm lòng đồng bào

Có thể nói, sức tàn phá ngoài dự báo của nhiều người. Thật khủng khiếp.

Cả nước xót xa, thương cảm, hướng về vùng bão lũ. Rất, rất nhiều người thể hiện đạo lý và phẩm cách người Việt, từ cá nhân đến tập thể, từ doanh nghiệp tư nhân đến cơ quan nhà nước, cùng chung tay khắc phục thảm họa.

Giúp người trong bão lũ, nghĩa cử bao đời của Việt  第2张

Một bạn đọc là bảo vệ một công ty tại TP.HCM ủng hộ 2 ngày lương của mình cho bà con miền Bắc - Ảnh: AN VI

Điều đáng khen là dù ở vùng tâm bão, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, xin phép nhường phần hỗ trợ của mình cho các tỉnh khác khó khăn hơn. Điều đó thể hiện tinh thần "nhường cơm sẻ áo" của các địa phương.

Hà Nội cũng hứng chịu nhiều thiệt hại nhưng vẫn khẩn cấp hỗ trợ các tỉnh khác 51 tỉ đồng. Đà Nẵng gởi 25 tỉ cho vùng bão lụt và phát động "mỗi người góp một ngày lương" cho vùng bão lụt. Bình Dương gởi 10 tỉ, Quảng Nam 22 tỉ, Quảng Bình 5 tỉ, TP.HCM gởi 120 tỉ đồng...

Ngoài ra, đội cắt tỉa cây xanh ở TP.HCM, Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình… cũng đã lên đường chi viện cho vùng bị bão lụt càn quét với tinh thần "xong việc mới về".

Còn với các tổ chức xã hội, người dân cũng có cách thể hiện của người dân.

Những ngày qua, xem các clip liên quan đến cứu trợ, rất nhiều hình ảnh cảm động khi ô tô liên kết, chạy chậm, nối đuôi che chắn cho xe gắn máy di chuyển trong bão. Những người hùng nghĩa hiệp cứu người gặp nạn.

Các nhân viên cứu hộ tác nghiệp quên mình, có người đã hy sinh. Sự san sẻ kịp thời của bà con lối xóm, sự dấn thân của cán bộ và chính quyền tại chỗ… là những gam màu sáng, làm ấm lòng mọi người giữa giá lạnh, bộn bề.

Sau tai nạn sập cầu Long Châu (Phú Thọ), bà con huyện Tam Nông và một số chủ xe vận động, giúp đưa đón miễn phí mỗi ngày hàng trăm học sinh qua Lâm Thao đi học, cho đến khi có cầu tạm, dù mỗi ngày phải đi đường vòng xa hơn 50km.

Có những nhà chưa giàu nhưng mở lòng, mời các em và cán bộ khó khăn ở tạm để đi học và làm việc, trong khi chờ cầu mới.

Có nhà giáo mang sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng, cả đời dành dụm nhờ báo chuyển sớm tới bà con...

Giúp người trong bão lũ, nghĩa cử bao đời của Việt  第3张

Sáng sớm 11-9, chú Sơn (một bạn đọc nhà ở quận Gò Vấp TP.HCM) đạp xe đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ ủng hộ 1,5 triệu đồng chia sẻ cùng đồng bào miền Bắc bị thiên tai - Ảnh: AN VI

Cần lắm những chiếc cầu nối

Như bao lần bị thiên tai khác, bao giờ báo Tuổi Trẻ cũng là chiếc cầu nối những người tham gia công tác xã hội kịp thời và hữu hiệu. Nhiều ngày qua có rất nhiều bạn đọc đến tòa soạn để ủng hộ.

Tại sao bạn đọc lại tin tưởng Tuổi Trẻ?

Có những nơi heo hút, ngặt nghèo, có những hoàn cảnh xót xa, đau thương mà khi biết được là Tuổi Trẻ sẽ đến.

Trong những dòng ký ức của mình, tôi còn nhớ đến những bài báo với những hình ảnh lay động lòng người trong cơn lũ dữ miền Trung năm 1999 và rồi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn đọc.

Năm 1999, hàng chục chuyến hàng cứu trợ của bạn đọc từ TP.HCM đã nối đuôi nhau ra miền Trung tạo nên đợt cứu trợ lớn của Tuổi Trẻ trong khoảng thời gian ấy.

Hay như năm 2004, một trận lũ quét qua hai xã ở huyện vùng cao Yên Minh (Hà Giang) với thiệt hại nặng nề về con người và vật chất. Khi nhận được tin, Tuổi Trẻ lại lên đường để cứu trợ khẩn cấp cho những nạn nhân.

Còn rất nhiều câu chuyện như thế trong lòng những người yêu mến Tuổi Trẻ như tôi!

Với những bài báo tạo độ rung xã hội đã khiến những nhà hảo tâm cảm thấy muốn được giúp đỡ, chia sẻ với bà con.

Với tinh thần trách nhiệm như thế nên tin, bài, hình ảnh, lời tường thuật ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, đầy ắp những minh chứng của sự việc và trĩu nặng dấu ấn yêu thương của con người.

Bạn đọc tin yêu Tuổi Trẻ và mang tiền quà đến ủng hộ những việc làm từ thiện của quý báo.

Trong đau thương, hoạn nạn, con người càng thương yêu hơn. Cuộc sống còn quá nhiều điều mến thương với những tấm lòng vàng và chiếc cầu nối yêu thương mang tên TUỔI TRẺ!

Ngăn chặn trục lợi

Tuy nhiên, bên cạnh những hành xử hào nghĩa, nhân ái giữa cơn hoạn nạn, đã có việc lợi dụng, giả mạo danh nghĩa hội đoàn từ thiện, kêu gọi quyên góp ủng hộ nạn nhân vùng bão lụt.

Việc mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh là lời cảnh báo.

Mọi hoạt động quyên góp đều cần thiết và rất đáng trân trọng, nhưng phải minh bạch, tuân thủ pháp luật.

Vì vậy, phải xử lý thật nghiêm nạn mạo danh lừa đảo quyên góp từ thiện.

Cần bớt các lễ hội hình thức, các sự kiện phô trương, các buổi họp rườm rà, các chương trình giải trí chưa cần thiết… để tiết kiệm tiền, san sẻ với bà con sau bão lũ.

Chúng ta có thể tổ chức các giải golf, thi đấu thể thao, bán đấu giá, ca nhạc từ thiện... để ai cũng có điều kiện tham gia, chung sức khắc phục hậu quả bão lũ...