TP HCMNặng 47 kg, cao trên 1,60 mét, Việt Linh, 29 tuổi, bất ngờ khi phát hiện máu nhiễm mỡ, tăng đường huyết, tăng acid uric máu.
Linh có mức BMI bình thường, trong khoảng 18,5-23 (Body Mass Index - chỉ số khối cơ thể dùng để xác định tình trạng một người có bình thường hoặc suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì). Tuy nhiên, vòng eo, vòng bụng lớn (gần 90 cm), trong khi bình thường chỉ số vùng này chỉ khoảng 65-75 cm. Nhìn bề ngoài, cô cao, gầy, và "bản thân luôn cảm thấy tình trạng sức khỏe tốt", Linh chia sẻ.
Trong một lần khám sức khỏe tổng quát của công ty, cô gái bất ngờ khi phát hiện một loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm máu nhiễm mỡ, tăng đường huyết, tăng acid uric máu.
Linh là một trong nhiều bệnh nhân của bác sĩ dinh dưỡng Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe giảm cân Homefit. Khi thăm khám, đo khối lượng mỡ và cơ bằng dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ Tân nhận thấy tỷ lệ mỡ của Linh cao hơn mức tiêu chuẩn (gần 40%), trong khi mỡ tiêu chuẩn dưới 25%, mặc dù BMI bình thường. Không những thế, chỉ số lượng cơ bắp ít, chuyển hóa cơ bản (BMR) chỉ khoảng 1.100 Kcal (trong khi BMR trung bình ở phụ nữ dưới 60 tuổi khoảng 1.400-1.800 Kcal).
"Nếu không có phương pháp cải thiện, khi tỷ lệ mỡ nội tạng cao, lượng cơ bắp ít, lâu ngày sẽ gây ra hội chứng chuyển hóa, gây nhiều mỡ bụng, tăng đường huyết lúc đói, huyết áp tăng, là tiền đề nguy cơ của một số bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, ung thư...", ông Tân cho hay.
Cô gái được lên khẩu phần ăn thâm hụt calo, thiết kế kế hoạch vận động toàn diện, bao gồm lối sống năng động đạt 5-7.000 bước một ngày, kết hợp giáo án tập tăng cơ bắp. Bệnh nhân cũng được tư vấn thực hành lối sống lành mạnh để cân bằng năng lượng, nội tiết tố, tâm lý.
Một bệnh nhân không thừa cân nhưng béo bụng mắc nhiều bệnh lý. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bác sĩ Tân nhìn nhận nhiều người có quan niệm sai lầm rằng cơ thể gầy hoặc không thừa cân, chỉ số BMI bình thường là dấu hiệu sức khỏe tốt, điều này không hoàn toàn đúng.
Skinny fat (gầy - mỡ) chỉ thể trạng một người mặc dù có chỉ số BMI ở mức bình thường hoặc gầy (BMI < 23) nhưng lại có tỷ lệ mỡ cao và lượng cơ bắp thấp. Ngoài ra, một người "skinny fat" có thể có lượng lớn mỡ nội tạng, từ đó gây những rối loạn chuyển hóa, nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư... cao hơn hẳn người cũng có cùng mức BMI. Đơn cử, mỡ nội tạng có thể gây viêm mạn tính - tăng nguy cơ bị một số bệnh ung thư đại tràng, vú và tuyến tiền liệt.
Các chuyên gia sức khỏe gọi đây là "béo phì có cân nặng bình thường", "béo phì trung tâm", hoặc "gầy bên ngoài, béo bên trong" (thin outside, fat inside). Một số dấu hiệu nhận biết như giảm khối lượng cơ xương, tỷ lệ mỡ cơ thể cao, có nhiều mô mỡ thừa xung quanh các cơ quan nội tạng; tỷ lệ eo/hông cao, thể lực kém, nhất là các bài tập đòi hỏi sức bền và sức mạnh. Để đánh giá được lượng cơ bắp, tỷ lệ mỡ, bạn có thể đo bằng máy Inbody, hoặc sử dụng thước kẹp (calisper).
Nguyên nhân tình trạng này có thể là yếu tố di truyền, môi trường, bao gồm thiếu hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh (nhịn ăn, bỏ bữa, thiếu protein, đặc biệt là ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến, thức uống có đường), hút thuốc lá, uống rượu. Các nhà nghiên cứu nghiên cứu cũng tìm thấy một số kiểu gene nhất định ở người khu vực Nam Á, khiến cơ thể có xu hướng có kiểu cơ thể "gầy-mỡ".
Thông thường, chỉ khi BMI >23 (mức thừa cân), thì một người mới cần can thiệp sức khỏe như ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn. Nếu BMI vẫn trong ngưỡng bình thường (<23), hầu hết sẽ sinh ra tâm lý chủ quan. Lâu dài sẽ gây ra hội chứng chuyển hóa, tăng đường huyết lúc đói, huyết áp tăng, rối loạn lipid máu (tăng triglyceride, giảm HDL-C).
Một số dấu hiệu cảnh báo chuyển hóa cơ thể đang không tốt, như tăng acid uric máu, dễ bị viêm nhiễm. Đây là tiền đề dẫn đến các bệnh lý tim mạch (như đột quỵ, nhồi máu cơ tim), đái tháo đường type 2. Nhiều trường hợp nặng hoặc trở thành mạn tính, phải uống thuốc điều trị suốt đời, chất lượng sống không thể trở lại.
Một nghiên cứu công bố năm 2019, đứng đầu là giáo sư Carolyn Lam thuộc Trung tâm Y tế Quốc gia Singapore, đã thu thập dữ liệu từ các bệnh nhân Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau khi xem xét kết quả của 5.964 người bệnh, bao gồm các ca nhập viện và tử vong, nghiên cứu chỉ ra rằng người có chỉ số khối cơ thể thấp nhưng vòng eo lớn có nguy cơ mắc bệnh suy tim cao hơn cả. Chu vi của vòng eo được tính theo chiều cao. Số đo lý tưởng là chu vi vòng eo/chiều cao nhỏ hơn 0,5.
Bác sĩ tư vấn cho một bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Để giảm mỡ bụng nhanh, tăng số lượng cơ xương, bạn cần làm việc với bác sĩ dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên để lên các hướng dẫn ăn uống, vận động cá nhân hóa.
Một số nguyên tắc chung, bao gồm hạn chế các thực phẩm siêu chế biến (thường có ít nhất 5 thành phần: đường, dầu ăn, chất béo, muối, chất chống oxy hóa, chất ổn định, chất bảo quản). Hạn chế đường và thức uống có đường, tinh bột hấp thu nhanh. Chế độ ăn bổ sung đủ protein (1g/kg cân nặng/ngày), cùng trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt.
Lối sống năng động, giảm thời gian ngồi, đặt mục tiêu ít nhất 5.000-7.000 bước chân/ngày. Tập thể dục ít nhất 30-45 phút mỗi ngày bằng các bài có tính kháng lực, giúp tăng lượng cơ bắp.
Học cách quản lý stress hiệu quả và cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp giảm cảm giác thèm ăn các đồ không lành mạnh, cũng như tăng tốc độ sinh tổng hợp cơ bắp, giảm tình trạng đề kháng insulin.
Thúy Quỳnh
Đăng thảo luận