Kết quả này cho thấy, sự quyết tâm của Hà Nội trong việc chăm lo sức khỏe, an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là người yếu thế.
Dễ tiếp cận chính sách bảo hiểm
Con trai 8 tuổi của chị Chu Thị Dung (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì) bị tâm thần nhẹ sau cơn co giật hồi 3 tuổi. Do kinh tế gia đình quá khó khăn, nên chị không thể mua BHYT để đưa con đi chữa bệnh. Sau khi Hà Nội triển khai Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND, con trai chị thuộc diện trẻ em khuyết tật dưới 16 tuổi được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Chị Dung cho biết, tấm thẻ BHYT thật sự quý giá với gia đình chị. Trước đây, dù rất thương con, chị cũng không thể đưa con đi chữa bệnh vì không đủ khả năng. Nay nhờ sự hỗ trợ từ Nghị quyết 13, con đã có thẻ BHYT miễn phí. Điều này vừa là niềm hy vọng để con được chữa trị, vừa là động lực để gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bà Phùng Thị Gấm, hơn 70 tuổi, sinh sống tại huyện Ba Vì cũng thuộc diện được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Từ khi được cấp thẻ BHYT miễn phí, mỗi tháng, bà đều đặn đến Trạm Y tế xã để khám và lấy thuốc điều trị bệnh.
Cán bộ BHXH Hà Nội thăm bà Phùng Thị Gấm.Tấm thẻ BHYT không chỉ là sự hỗ trợ tài chính, mà còn giúp bà tiết kiệm được khoản tiền thuốc men mỗi năm. Nhờ có tấm thẻ BHYT này, bà có thể chăm sóc bản thân tốt hơn, an tâm cho sức khỏe tuổi già.
Hay như chị Đinh Thị Sáu, 40 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Đông là đối tượng thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện. Năm 2021, sau khi chồng mất vì tai nạn, chị một mình nuôi 2 con ăn học; không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập hàng tháng của 3 mẹ con chỉ trông chờ vào sào ruộng và tiền công chị đi giúp việc.
Cơn bão số 3 vừa qua làm vườn bưởi nhà chị rụng hết, lúa cũng đổ, dù khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng tham gia BHXH tự nguyện, coi như một khoản tích lũy để sau này không phải dựa vào con cái. Đến nay, chị Sáu đã tham gia BHXH tự nguyện được 3 năm.
Nhờ sự hỗ trợ của TP theo Nghị quyết 03, chị được hỗ trợ 50% mức đóng, mỗi tháng chị chỉ còn đóng 363.000 đồng để sau này có lương hưu khi về già.
Số người tham gia BHXH, BHYT tăng trưởng rõ rệt
Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT.
Đó là Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn; Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND; Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND; Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND về hỗ trợ mức đóng BHXH, BHYT đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia BHXH, BHYT.
Có thể thấy, 4 nghị quyết của TP đã bao phủ rộng lớn các đối tượng tham gia BHXH, BHYT bao gồm người yếu thế (người già từ đủ 70 - dưới 80 tuổi; người khuyết tật nhẹ dưới 16 tuổi), người dân có hoàn cảnh khó khăn (học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình), các đối tượng đặc thù (lực lượng công an xã bán chuyên trách, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở).
Cán bộ BHXH tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân.Sau khi các nghị quyết được ban hành, số người tham gia BHXH, BHYT tăng trưởng rõ rệt. Theo số liệu của BHXH Hà Nội, đến tháng 9/2024, số người tham gia BHYT đạt trên 8 triệu người, tăng 218.474 người so với cùng kỳ năm 2023; tăng 59.939 người so với 31/12/2023; đạt 95,6% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,42% dân số.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 13, trong 9 tháng năm 2024, Hà Nội đã hỗ trợ 62.600 người với số tiền 43,53 tỷ đồng. Trong đó, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi là 53.485 người với số tiền 39,2 tỷ đồng; người khuyết tật nhẹ là 1.139 người với số tiền 0,83 tỷ đồng; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 7.972 người với số tiền 3,5 tỷ đồng...
Thực hiện Nghị quyết 12 và Nghị quyết 21, Hà Nội đã có 1.003 người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 269 công an xã bán chuyên trách tham gia BHYT hộ gia đình.
Liên quan đến tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, có thể thấy, nếu như năm 2022, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện tăng 18,5% so với năm 2021 (thời điểm chưa ban hành Nghị quyết 03) thì năm 2023 tăng 41,76% so với năm 2022, tháng 9/2024, tăng 10.280 người so với năm 2023.
Số người tham gia BHXH tự nguyện năm tính đến tháng 9/2024 tăng gấp 5 lần so với năm 2018; có 5.453 người thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 469 công an xã tham gia BHXH tự nguyện.
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Chương trình số 08 – CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ y tế đạt 95%.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp.
Đăng thảo luận