Hé lộ về khối tài sản khủng của nhà sáng lập Telegram vừa bị bắt
(Dân trí) - Tỷ phú Pavel Durov, nhà sáng lập ứng dụng Telegram, vừa bị bắt tại Pháp. Ông hiện sở hữu khối tài sản kếch sù nhờ đứng sau một trong những nền tảng nhắn tin phổ biến nhất thế giới.
Tỷ phú Pavel Durov, nhà sáng lập ứng dụng Telegram, bị bắt tại sân bay Paris-Le Bourget, Pháp vào khoảng 20h ngày 24/8.
Chính quyền Pháp đã ban hành lệnh bắt giữ doanh nhân công nghệ này sau cuộc điều tra sơ bộ. Các nhà chức trách Pháp cho rằng việc Telegram không kiểm duyệt đầy đủ, các công cụ mã hóa và cáo buộc thiếu hợp tác với cảnh sát có thể khiến Durov bị cáo buộc đồng lõa trong hoạt động buôn bán ma túy, tội ấu dâm và gian lận.
Kênh truyền hình TF1 đưa tin CEO Telegram sẽ phải ra hầu tòa. Hãng tin này cho biết Durov có thể phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.
Do là công dân Pháp, nhà sáng lập Telegram cũng có thể phải đối mặt với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Moscow do những mối liên hệ của ông ở Nga.
Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Nền tảng này đặt mục tiêu đạt một tỷ người dùng trong năm tới.
Theo số liệu được thống kê bởi Forbes, Pavel Durov hiện đang đứng thứ 120 trong danh sách những tỷ phú của thế giới với khối tài sản ròng lên đến 15,5 tỷ USD.
Tỷ phú Pavel Durov, nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin Telegram (Ảnh: CNBC).
Ông sinh tại thành phố Saint Petersburg, Nga trong một gia đình trung lưu. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Học viện thể dục, Pavel Durov đỗ vào Đại học Tổng hợp Sankt-Peterburg, chuyên ngành ngữ văn.
Tuy được đánh giá là một sinh viên tài năng, thông minh và có tố chất lãnh đạo nhưng cá tính của Pavel Durov cũng mang đến cho ông những phiền phức không đáng có.
Trong một lần đang sử dụng mạng máy tính của trường, ông đã tấn công và làm tê liệt hệ thống này chỉ để chứng minh việc hệ thống của trường kém hiệu quả. Cuối cùng, nhà trường đã cấm cửa ông vĩnh viễn và không cho phép ông sử dụng hệ thống cho đến hết thời gian theo học.
Trước khi được biết đến với Telegram, Pavel Durov đã nổi tiếng với biệt danh "Mark Zuckerberg của Nga" khi đồng sáng lập ra VKontakte, mạng xã hội tương tự Facebook khi mới 22 tuổi.
Và thành quả đã vượt ngoài mong đợi của ông. Ngay sau khi vừa ra mắt công chúng, mạng xã hội Vkontakte đã nhanh chóng nhận được sự đón nhận của người dân Nga. Chỉ trong vòng chưa đến một tháng sau khi ra mắt, Pavel Durov đã phải thay đổi dung lượng máy chủ để chịu tải được lượng người dùng tăng trưởng theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, ông đã rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên Vkontakte.
Trước khi rời Nga, Pavel Durov đã phát triển một ứng dụng nhắn tin bảo mật mang tên Telegram và trình làng vào năm 2013 nhưng không có bất kỳ thông báo chính thức nào để đảm bảo tính bảo mật.
Sau khi ra mắt Telegram, Pavel Durov đã dành ra hơn 1 triệu USD mỗi tháng để duy trì hoạt động của ứng dụng nhắn tin này trước khi nó tạo ra doanh thu.
Điều này cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển vượt bậc của Telegram. Tính đến tháng 4 năm nay, nền tảng này đã thu hút hơn 900 triệu người dùng hàng tháng, tăng từ 500 triệu so với đầu năm 2021.
Tuy nhiên, Telegram cũng là đề tài tranh cãi lớn trên khắp thế giới khi ứng dụng nhắn tin này trở thành kênh liên lạc chính của tội phạm, hacker để trao đổi về các dịch vụ bất hợp pháp mà không chịu các hình thức kiểm soát.
Có trụ sở chính tại Dubai, Telegram có thể thoát khỏi phần lớn sự giám sát theo quy định và các yêu cầu thủ tục pháp lý. "Ở Dubai, chính phủ không làm phiền chúng tôi", ông Durov nói với Financial Times.
Theo tỷ phú Pavel Durov, sự thành công của Telegram đến từ việc ứng dụng này hoàn toàn độc lập và không bị kiểm soát bởi bất kỳ chính phủ và tổ chức nào. Ngay cả đội ngũ của Telegram cũng không thể kiểm soát nội dung của các cuộc trò chuyện bí mật.
Hiện tại, tất cả các nhân viên của Telegram đều làm việc khắp mọi nơi trên thế giới và gần như không biết nhau. Lý do cho việc này đó chính là Pavel Durov không muốn công ty của mình dính vào bất cứ một xung đột chính trị hay kinh tế của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, Telegram đã trở thành nền tảng chính để cả Nga và Ukraine đưa tin về chiến sự và tình hình chính trị.
Ứng dụng này đã trở thành phương tiện truyền thông được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức trong chính quyền của ông ưa chuộng. Điện Kremlin và chính phủ Nga cũng sử dụng ứng dụng này để tuyên truyền thông tin của Nga. Ứng dụng này cũng đã trở thành một trong số ít nền tảng mà người Nga có thể truy cập tin tức về cuộc chiến.
Đăng thảo luận