LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM
Khách đợi cả tiếng để mua thứ bánh thơm mềm, mỏng như giấy
03/09/2024 - 13:10(Dân trí) - 4 ngày nghỉ lễ, tại các cơ sở sản xuất bánh mướt nổi tiếng ở Yên Thành (Nghệ An), thợ làm việc không kịp ăn cơm. Khách hàng phải đợi cả tiếng đồng hồ mới mua được bánh thiết đãi con cháu về sum họp.
Bánh mướt chợ Gám (xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An) nổi tiếng gần xa bởi bánh trong, dai mềm, thơm, béo. Dù chỉ là món ăn sáng dân dã nhưng bánh mướt chợ Gám nổi danh khắp tỉnh và là thức quà mà người đi xa trở về muốn thưởng thức.
Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các địa phương tại Yên Thành tổ chức nhiều hoạt động liên hoan, vui chơi, cùng với người dân đi xa trở về, nên lượng bánh mướt tiêu thụ tăng đột biến. Lao động tại các cơ sở sản xuất bánh mướt cũng làm việc không ngơi tay để giao hàng cho khách.
Bà Lê Thị Thu Hà (xã Xuân Thành) cho biết: "Chúng tôi bắt đầu công việc lúc 4h, kịp xay bột, tráng bánh, đóng 6 thùng gửi cho khách ở Quỳ Hợp (Nghệ An), sau đó mới tráng phục vụ khách lẻ. Công việc kéo dài đến khoảng 19h mới kết thúc. Khách đông, đơn hàng nhiều, gần như không có thời gian nghỉ ăn cơm mà phải thay nhau nghỉ".
Thợ tráng mỏi tay, khách đợi cả tiếng để thưởng thức bánh mướt (Video: Hoàng Lam).
Bí quyết tạo ra vị mềm, dẻo, thơm của bánh mướt chợ Gám là từ khâu chọn nguyên liệu. Người dân dùng gạo Khang dân và gạo "5 số", ngâm khoảng 2 tiếng đồng hồ, vò, đãi sạch rồi đưa vào máy xay bột.
"Xay bột nước với tỉ lệ phù hợp, khuấy đều, thêm một chút dầu, lá hành hoa và lá hẹ cắt nhỏ, trộn thêm gia vị vừa đủ và tráng trên nồi hơi. Việc pha trộn bột rất quan trọng, vì nếu bột loãng bánh bị gãy, bột đặc bánh bị cứng", bà Hà chia sẻ.
Dưới sức nóng từ lò hơi trong một quãng thời gian nhất định, bánh chín mang theo mùi thơm của gạo, của hành lá, mùi béo ngậy của dầu. Dưới bàn tay khéo léo của người tráng, bánh mỏng như tờ giấy, màu trắng trong, điểm thêm màu xanh của lá hành, lá hẹ rất bắt mắt.
Bánh sau khi chín, trải ra mâm và được cuộn lại thành từng cái. Đây là đặc điểm khác biệt của bánh mướt chợ Gám so với các loại bánh mướt ở các vùng quê khác tại Nghệ An. Mặc dù cuộn lại nhưng bánh vẫn giữ được độ mềm, hơi dai.
Trong ngày 2/9, cơ sở của chị Nguyễn Thị Nhung (Xuân Thành) phục vụ khoảng gần 3 tạ bánh mướt cho khách. "Chúng tôi chỉ phục vụ khách lẻ, hầu hết mọi người mua vài ba cân bánh, nhiều thì 5kg. Khách quá đông, ai đặt hàng trước thì ưu tiên, chúng tôi phải từ chối khá nhiều khách", chị Nhung cho hay.
Theo người phụ nữ có gần 20 năm làm nghề, công việc này rất vất vả vì thường phải ngồi một chỗ, giữa 4-5 cái nồi hấp bốc hơi nóng hừng hực, hai cánh tay phải hoạt động liên tục nhiều giờ.
Bà Trần Thị Huệ (xã Bắc Thành, Yên Thành) vui vẻ khoe 3kg bánh mướt vừa mua được sau hơn 1 tiếng đồng hồ chờ đợi.
"Dịp lễ Quốc khánh 2/9, các con các cháu ở xa về, cứ tha thiết ăn bánh mướt chợ Gám với xáo gà nên tôi đi mua. Phần lớn khách mua đã đặt trước qua điện thoại nên năn nỉ mãi, cơ sở làm bánh mới tráng cho tôi được 3kg. Đợi hơi lâu nhưng lỡ hứa với con cháu rồi nên phải chịu thôi, may là trưa nay vẫn có bánh thiết đãi cả nhà", bà Huệ chia sẻ.
Bánh sau khi cuộn có thể quết dầu và hành phi theo yêu cầu của khách hoặc để bánh và hành riêng. Với những nơi mua với số lượng lớn, bà Hà đóng bánh vào thùng giấy, lót lá chuối để giữ hương vị.
"Toàn bộ công đoạn làm bánh đều được thực hiện thủ công, ngay trước mắt khách nên hoàn toàn yên tâm chúng tôi không sử dụng phụ gia bảo quản hay tạo độ dẻo, trong cho bánh. Chất lượng của bánh phụ thuộc vào chất lượng gạo, cách pha trộn nguyên liệu và thời gian làm chín", bà Hà cho hay.
So với đun bằng bếp than như trước đây, hiện với nồi hơi, sử dụng điện, công việc tráng bánh mướt đỡ vất vả hơn và năng suất cao hơn. Nghề làm bánh mướt cũng mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân và giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn nơi đây.
Bánh mướt chợ Gám không chỉ phục vụ trong xã, trong huyện mà nay được đóng thùng gửi xe khách cho các đại lý lớn ở thành phố Vinh, huyện Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa và ra cả Hà Nội.
Đăng thảo luận