Mật độ xe vượt quá năng lực thiết kế, nhiều đoạn đường bị lấn chiếm, gần đây khu vực Hàng Xanh - cửa ngõ TP HCM luôn ùn tắc nghiêm trọng.
Giờ tan tầm chiều giữa tháng 10, dòng xe phủ kín mặt đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn một chiều từ nút giao Hàng Xanh đến ngã 5 Đài Liệt sĩ, quận Bình Thạnh. Ôtô 4-7 chỗ, buýt... nối thành hàng dài, xen giữa hàng chục nghìn xe máy nhích từng chút.
Từ ngã tư Hàng Xanh, xe đi thẳng tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh liên tục xung đột với hướng rẽ trái sang Bạch Đằng, tài xế bóp còi inh ỏi xin nhường đường. Khi qua khỏi khu vực này, dòng người tiếp tục "chôn chân" đoạn từ cầu Sơn đến giao lộ D5 khi nhiều xe chuyển làn rẽ trái, phải, hoặc chạy cắt ngang mặt đường để vào con hẻm phía đối diện.
Kẹt xe kéo dài cả khu vực Hàng Xanh, tối 8/10. Ảnh: Thanh Tùng
Xô Viết Nghệ Tĩnh là trục chính kết nối khu vực trung tâm về quốc lộ 13, đại lộ Phạm Văn Đồng phía Đông Bắc thành phố. Từ Hàng Xanh tới ngã 5 Đài Liệt sĩ, đường chuyển thành một chiều và cũng là đoạn kẹt xe triền miên nhiều năm nay, đặc biệt là giờ tan tầm. Song song trục đường trên, tuyến Đinh Bộ Lĩnh cho xe chạy theo hướng ngược lại đến Hàng Xanh cũng trong tình trạng tương tự, ùn tắc thường xuyên giờ cao điểm buổi sáng.
Nhà ở phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, chị Thanh Thảo, 35 tuổi, nói mỗi ngày phải đối mặt với cảnh "sáng ùn tắc ở đường Đinh Bộ Lĩnh, chiều kẹt xe trên tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh". Hành trình mỗi buổi sáng chị đến chỗ làm ở quận 1 phải theo cầu Bình Triệu, đường Đinh Bộ Lĩnh, qua ngã tư Hàng Xanh vào trung tâm thành phố. Đến chiều, người phụ nữ chạy xe ngược về đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, qua ngã 5 Đài Liệt sĩ ra quốc lộ 13.
"Nhiều hôm kẹt xe khiến hành trình đến công ty mất gần hai giờ cho quãng đường chưa đến 10 km", chị Thảo nói, thêm rằng với người làm giờ hành chính sáng đi chiều về như chị, hai tuyến đường thực sự là nỗi ám ảnh về cảnh kẹt xe.
Ngoài hai trục đường trên, hướng từ quốc lộ 13 ra vào nội đô thành phố còn các lộ trình khác như Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh, hoặc theo đại lộ Phạm Văn Đồng qua Nguyễn Xí - Nơ Trang Long... Bên cạnh việc phải đi vòng xa hơn, các con đường này cũng đã quá tải trầm trọng, nhất là Ung Văn Khiêm. Giờ tan tầm buổi chiều, trục đường này đón lượng xe rất lớn từ khu trung tâm dồn về. Nhiều thời điểm, dòng ôtô, xe máy chen nhau lấn sang làn ngược lại, biến con đường từ hai chiều thành một chiều.
Các dường quanh khu vực Hàng Xanh bùng phát kẹt xe thời gian gần đây. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Kẹt xe trên đường Ung Văn Khiêm lan rộng sang các tuyến nhánh như Nguyễn Gia Trí (D2 cũ), Nguyễn Văn Thương (D1 cũ)... Giờ cao điểm, dòng xe liên tục ùn ứ ở các nút giao, cộng thêm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán, đậu xe, khiến tình hình thêm căng thẳng. "Gần đây mưa lớn thường đổ xuống đúng giờ tan tầm làm tình trạng kẹt xe càng trở nên trầm trọng", anh Nguyễn Khánh, 38 tuổi, sống trong khu Thanh Đa nhớ lại trong cơn mưa tầm tã chiều 8/10, giao thông quanh ngã tư Hàng Xanh rối loạn, hàng nghìn người phải "chôn chân" hơn hai giờ trên các tuyến đường tại khu vực này.
Nút giao Hàng Xanh cùng hai tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh là ba trong số 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông tại TP HCM. Đây cũng là những điểm đen kẹt xe thuộc nhóm "chưa có dấu hiệu chuyển biến", theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải. Trong 9 tháng đầu năm nay, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ nút giao Bạch Đằng tới ngã 5 Đài liệt sĩ được thống kê xảy ra 615 vụ ùn ứ; giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng 588 vụ. Các tuyến Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí... lưu lượng xe cũng đã vượt quá năng lực khai thác.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết nhu cầu đi lại tại khu vực trên ngày càng tăng cao, kéo theo áp lực dồn đến các tuyến đường hiện hữu rất lớn vì chưa được đầu tư đồng bộ. Ngoài là cửa ngõ kết nối trung tâm thành phố, thu hút lượng lớn người đổ ra sau khi tan sở, khu vực này có nhiều trường đại học như Công nghệ TP HCM (Hutech), Ngoại thương cơ sở II, Giao thông Vận tải TP HCM. Rất đông sinh viên đổ ra đường cùng lúc.
"Mật độ xe tập trung quá nhiều giờ cao điểm nên nếu có sự cố hoặc thời tiết bất lợi như mưa lớn khiến ùn ứ thêm nghiêm trọng", đại diện Sở Giao thông Vận tải nói, thêm rằng ngoài vấn đề hạ tầng quá tải, kẹt xe tại khu vực trên còn nguyên nhân lớn khác là nhiều người không chấp hành tín hiệu giao thông, cố vượt đèn vàng, đỏ, chạy ngược chiều...
Xe cấp cứu nhích từng chút một trong dòng xe kẹt tại góc đường Điện Biên Phủ - cầu vượt ngã tư Hàng Xanh, chiều 8/10. Ảnh: An Khương
Một lãnh đạo đội CSGT Hàng Xanh, thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM, cũng cho biết tình trạng kẹt xe quanh ngã tư Hàng Xanh gần đây tăng cao. Những hôm trời mưa, CSGT dù tăng cường điều tiết song chưa thể giải quyết triệt để vì mật độ xe rất lớn, nhiều người có thói quen lấn làn, vượt đèn vàng vội về nhà. Để giảm ùn tắc, cảnh sát đã phối hợp cùng công an phường, bảo vệ dân phố phân luồng từ xa hạn chế xe dồn đến kiểm kẹt. Đặc biệt, các giao lộ lớn như dưới dạ cầu vượt Hàng Xanh, Nguyễn Gia Trí - Ung Văn Khiêm, ngã 5 Đài Liệt sĩ, các đơn vị luôn phải túc trực phân luồng từ 6h tới 22h mỗi ngày.
Trước đây, nhằm giảm ùn tắc cho cửa ngõ trên, TP HCM đã tính triển khai dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2), gồm nhiều hạng mục như mở rộng đường Ung Văn Khiêm, xây nút giao Đài Liệt sĩ, hầm chui hướng Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13... Tuy nhiên, dự án đã dừng do đoạn này không phù hợp làm dự án BOT trên đường hiện hữu.
Để giảm áp lực giao thông cho khu vực, Sở Giao thông Vận tải mới đây đề xuất chính quyền thành phố ưu tiên đầu tư mở rộng hai tuyến Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Trong đó, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh sẽ triển khai trên đoạn dài 2 km, từ Hàng Xanh tới chân cầu Bình Triệu (gồm một đoạn quốc lộ 13 qua bến xe Miền Đông). Mặt đường được mở rộng lên 30 m và xây nút giao Đài Liệt sĩ theo phương án đảo vòng xoay kết hợp hầm chui. Dự án có tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng.
Xe ùn ứ trên đường Đinh Bộ Lĩnh chờ qua nút giao với tuyến Bạch Đằng, tháng 10/2024. Ảnh: Đình Văn
Đường Đinh Bộ Lĩnh cũng dự kiến được nâng cấp đoạn dài hơn 2 km từ nút giao Phạm Văn Đồng đến Điện Biên Phủ. Mặt đường sẽ mở rộng lên 25 m và xây mới cầu Bình Triệu quy mô 6 làn xe, tổng vốn khoảng 2.900 tỷ đồng.
"Ngoài việc nâng cấp để chiều rộng như quy hoạch, hai tuyến này cũng đang được nghiên cứu chuyển thành đường trên cao để kết nối đồng bộ với dự án mở rộng quốc lộ 13", đại diện Sở Giao thông Vận tải nói.
Đình Văn - Gia Minh
Đăng thảo luận