Làm công ty gia đình, nhân sự trẻ bị ép… thay tã cho con sếp, cấm mang thai
(Dân trí) - "Nợ lương, thích sai vặt, trừ lương vô lý… là cách vận hành của một công ty gia đình trong suốt 7 tháng tôi làm việc tại đây", Ánh My nói.
Công ty gia đình là loại hình công ty mà trong đó, các thành viên trong gia đình hoặc gia tộc nắm phần lớn vốn điều lệ, tài sản và quyền quản trị, điều hành công ty. Nhiều nhân sự trẻ chia sẻ làm việc cho những công ty gia đình có quy mô nhỏ thường là "kiếp nạn" của họ, bởi cách vận hành không theo nguyên tắc mà dựa trên cảm xúc cá nhân của những người quản lý.
Công ty gia đình là nỗi ám ảnh của nhiều nhân sự Việt (Ảnh minh họa: Tetsuji Iso).
Nhân sự "bỏ của chạy lấy người"
2 năm kể từ khi nghỉ việc ở công ty cũ, Huỳnh Ánh My (24 tuổi, ngụ tại TP Hà Nội) chưa thôi ám ảnh những gì mình đã trải qua khi làm việc tại đây.
My chia sẻ thời điểm ấy, nhà trường giới thiệu cho cô thực tập tại một công ty gia đình. Vì chưa có kinh nghiệm và các mối quan hệ, cô gái chấp nhận học việc với mức lương chỉ đủ tiền xăng xe.
Đến khi kết thúc 2 tháng thực tập, trở thành nhân viên chính thức, My cũng không được công ty đóng bảo hiểm xã hội hay được hưởng bất kỳ chế độ đãi ngộ nào khác. Trưởng bộ phận của My là con gái của Giám đốc điều hành, ngoài ra, các trưởng bộ phận khác cũng là họ hàng của sếp. Mọi "nhất cử nhất động" trong công ty đều được giám sát và quyết định dựa trên cảm xúc cá nhân của cấp trên.
Để bám trụ được ở công ty gia đình, các nhân viên lúc nào cũng phải biết chiều theo ý tất cả các sếp (Ảnh minh họa: Chí Hiếu).
My chia sẻ cô còn được trưởng bộ phận thuê về làm gia sư cho con gái nhưng lại không trả lương suốt 4 tháng. Trong thời gian đó, My không chỉ dạy học cho con gái của sếp mà còn phụ trông nom, thay tã, vệ sinh cho con trai út của cấp trên.
"Là cấp dưới nên tôi không dám hé nửa lời phàn nàn, lại càng không dám phản ánh lên sếp tổng vì họ là bố con của nhau. Trong một lần đi team building (xây dựng đội ngũ), tôi còn bị một đồng nghiệp cưỡng hôn. Thế nhưng, sếp tổng lại ậm ừ cho qua vì người này cũng là… em họ của anh ấy", My ngán ngẩm, nói.
Sau nhiều lần bị xử ép và đỉnh điểm lúc bị cưỡng hôn khi đi team building, My quyết định nghỉ việc, chuyển về Thái Nguyên sinh sống để tìm một công ty "lành tính" hơn.
Cấm nhân viên nữ… có thai
D.V.T. (28 tuổi, ngụ tại TPHCM) chia sẻ cô còn bị bắt đi lau chùi nhà vệ sinh vì công ty gia đình không có lao công. T. cho biết dấu hiệu của một công ty gia đình "bất ổn" là khi những thành viên trong ban quản lý là người thân của nhau. Ngoài ra, hợp đồng lao động cũng không có các điều lệ rõ ràng, đa phần là hàng loạt quy định phạt nhân viên khi mắc lỗi.
"Muốn bám trụ ở các công ty này, chúng tôi phải biết cách hòa hợp với tất cả các nhân sự. Những ai muốn xin về sớm, nghỉ phép thì phải chủ động mua nước, bia khao cả văn phòng", T. chia sẻ.
Nhiều hôm, T. phải tăng ca, ngủ qua đêm ở công ty vì khối lượng công việc quá nhiều. Tuy nhiên, cô vẫn không được trả thêm đồng nào. Sau 6 tháng làm việc, T. bất ngờ bị cho thôi việc với lý do các nhân sự trong công ty đã xin nghỉ. Cấp trên sợ rằng T. cũng sẽ nghỉ theo nên… chủ động đuổi trước.
Nhiều nhân viên văn phòng cảm thấy lạc lõng vì không hòa nhập được ở các công ty gia đình (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Khánh Dung (26 tuổi, ngụ tại TPHCM) chia sẻ cô cũng có nhiều trải nghiệm không mấy vui vẻ khi làm tại một công ty gia đình. Điều khiến Dung bất ngờ nhất chính là quy định nhân viên nữ không được mang thai trong 2 năm đầu làm việc tại đây. Ngoài ra, công ty cũng không cho phép nhân viên nghỉ trưa nếu khối lượng việc trong ngày chưa xử lý kịp.
"Chúng tôi thường xuyên phải họp đột xuất với lãnh đạo đến nửa đêm mới được nghỉ ngơi. Sếp còn giao việc, bắt chúng tôi làm từ 0h đến 2h hôm sau và cho rằng ai không hoàn thành là năng lực kém. Công ty còn ép nhân viên đóng quỹ nhưng mục đích sử dụng lại không rõ ràng. Ai lên tiếng hay gây ấn tượng không tốt sẽ bị cho nghỉ ngay lập tức", Dung nói.
Chỉ trong 2 tháng làm việc tại đây, cô gái cảm thấy sức khỏe tinh thần xuống cấp trầm trọng. Cấp trên đều là người thân trong gia đình nên Dung phải tìm cách làm hài lòng tất cả. Lắm lúc, sếp đã duyệt kế hoạch nhưng vợ sếp lại không đồng ý, Dung buộc phải làm lại mọi thứ từ đầu.
Dù thời điểm ấy thị trường lao động đang nhiều biến động, nhân sự khó tìm việc, Dung vẫn quyết định nghỉ vì không thể chịu đựng được nữa.
Theo Báo cáo khảo sát Doanh nghiệp gia đình năm 2023 của Pwc, chỉ 17% doanh nghiệp tham gia khảo sát có quy trình nội bộ cho phép nhân viên bày tỏ mối quan tâm, lo ngại; 36% doanh nghiệp có truyền thông minh bạch giữa các thành viên trong gia đình và nhân viên. Ngoài ra, chỉ hơn một nửa doanh nghiệp gia đình tham gia khảo sát có cung cấp các phúc lợi hoặc khuyến khích cho nhân viên ở tất cả các cấp.
*Tên một số nhân vật đã được thay đổi
Đăng thảo luận