Theo Phó cục trưởng Cục C06 - Bộ Công an Vũ Văn Tấn, từng cán bộ ngành bảo hiểm xã hội phải nâng cao nhận thức, tránh sơ suất, tránh bị hacker tấn công.
Phó cục trưởng Cục C06 - Bộ Công an Vũ Văn Tấn - Ảnh: HÀ QUÂN
Ngày 31-7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về công tác chuyển đổi số, triển khai đề án 06 của Chính phủ.
Nguy cơ lộ lọt thông tin người dân
Theo đại tá Vũ Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), 100% cơ sở y tế chấp nhận khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip hoặc tài khoản VNeID mức độ 2 thay vì thẻ bảo hiểm y tế như trước.
Ông Tấn kể khi bắt đầu chi trả không tiền mặt, nhiều người phản ứng, nói không thể làm được vì nhiều người già, trẻ em, rồi vấn đề thẻ ATM, nhưng đến nay có nơi chi trả an sinh xã hội đến hơn 90%.
Vị phó cục trưởng C06 đề nghị xây dựng hệ thống kiosk quét thẻ chip tại các bệnh viện với thiết bị thông minh, chấm dứt gian lận bảo hiểm; đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VssID…
Từ đó, cơ quan chức năng làm sạch, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý dữ liệu, dần dần xử lý tội phạm liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Tuy vậy, ông đề nghị lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội cảnh báo từng cán bộ ngành bảo hiểm xã hội phải nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ nguy cơ lộ lọt dữ liệu từ hacker, vì chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể tạo ra nguy cơ mất an ninh thông tin cho cả hệ thống.
Thời gian tới, hai ngành công an và bảo hiểm xã hội tiếp tục tích hợp sổ bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VNeID. Đến nay, có hơn 19,4 triệu lượt truy vấn sổ bảo hiểm xã hội thành công.
Trong phần tham luận, các đại biểu chia sẻ thêm về ứng dụng công nghệ trong giám định bảo hiểm y tế, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng, không còn cảnh từng chồng hồ sơ lớn; kinh nghiệm sử dụng AI trong chống gian lận bảo hiểm y tế…
Đại diện Bảo hiểm xã hội TP.HCM đề xuất mở rộng xác thực sinh trắc trong xác định hồ sơ liên quan đến bảo hiểm xã hội, tránh giả mạo căn cước công dân; đẩy nhanh tiến độ đồng bộ thông tin của người dân…
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kết luận hội nghị - Ảnh: HÀ QUÂN
AI giúp chẩn đoán bệnh, ngăn trục lợi bảo hiểm xã hội
Kết luận hội nghị, giao nhiệm vụ cho 64 điểm cầu, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh liên tục nhắc đến vai trò của người đứng đầu, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. “Ai làm được, ai không làm được, phải rõ kết quả”, ông nói.
Ông Mạnh bày tỏ chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn, thách thức như: liên thông dữ liệu với các ngành, cơ chế đãi ngộ cho nhân tài công nghệ thông tin chưa đột phá, còn phải theo quy định nhà nước. Tuy nhiên khó nhất vẫn là thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, lãnh đạo.
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội nhắc lại từng cán bộ phải trăn trở, suy nghĩ “khâu này có áp dụng chuyển đổi số được không”, chia sẻ dữ liệu sao cho an toàn vì “một số nơi còn xem nhẹ vấn đề an toàn thông tin”.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội trả lời về chuyện chi bảo hiểm y tế tăng vọtĐỌC NGAY
Vị tổng giám đốc này đề nghị toàn ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục làm giàu, làm sạch, tiếp nhận và chia sẻ dữ liệu với các ngành như công an, y tế, lao động, ngân hàng…
Về lâu dài, theo ông Mạnh, khi hệ thống tích hợp các biện pháp như sinh trắc học, quản lý dữ liệu, ứng dụng AI, vấn đề trục lợi bảo hiểm xã hội sẽ giảm dần.
Ông cũng cho hay mỗi năm có khoảng 180 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tính ra khoảng 500.000 lượt khám chữa bệnh/ngày.
Từ dữ liệu lớn đó, AI sẽ thống kê, phân tích, đưa ra khuyến cáo hữu ích. Ví dụ, từ 10.000 lượt chữa bệnh tiểu đường, AI nhận diện, gợi ý phác đồ điều trị, thời gian chữa trung bình, được lợi nhất là ngành y tế và bệnh nhân.
Đăng thảo luận