Gia Lai:

Lão nông thu tiền tỷ mỗi năm với đặc sản khoai vàng trái vụ

(Dân trí) - Nhiều năm nay, lão nông Nguyễn Trình đã trồng, chăm giống khoai lang Lệ Cần, cho ra nhiều sản phẩm nức tiếng; thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Gây giống khoai lang trên đất đỏ

Giống khoai Lệ Cần ở xã Tân Bình (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) nổi tiếng ngon. Một trong những người góp công lớn đưa tiếng thơm của khoai Lệ Cần bay xa là lão nông Nguyễn Trình (56 tuổi).

Lão nông thu tiền tỷ mỗi năm với đặc sản khoai vàng trái vụ  第1张

Thành công từ việc phát triển giống khoai Lệ Cần đã có nhiều người đến trang trại của ông Trình tham quan, học hỏi kinh nghiệm để liên kết, phát triển (Ảnh: L.K).

Ông Trình nhớ lại, năm 1957, ông cùng nhiều người dân ở làng Trà Đỏa (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) lên Đak Đoa sinh sống và mang theo giống khoai lang ở đồng bằng gieo trồng trên đất cao nguyên.

Từ 2 bàn tay trắng, ông Trình dành dụm tiền mở rộng quy mô diện tích cây trồng. Riêng khoai lang Lệ Cần, nhìn thấy giá trị kinh tế  từ loại cây này, ông Trình thuê 30ha đất trồng.

Lão nông thu tiền tỷ mỗi năm với đặc sản khoai vàng trái vụ  第2张

Ông Nguyễn Trình, người đã dày công ươm giống khoai Lệ Cần trên mảnh đất bazan (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Trình còn mày mò nghiên cứu chế tạo các loại máy móc phục vụ bà con trồng, chăm sóc khoai lang như máy cày khoai và máy thu hoạch khoai. Từ đó, sản lượng tăng đáng kể.

Ông Nguyễn Trình chia sẻ: "Khoai lang Lệ Cần cũng giống như các loại cây trồng ngắn ngày, chỉ cần 3 tháng là có thể thu hoạch. Giống khoai này có đặc trưng là ruột vàng, vị bùi và có mùi thơm đặc trưng. Nếu người dân trồng ở vùng đất khác, cách chỉ khoảng 5km, mùi, vị cũng đã khác".

Thu tiền tỷ mỗi năm 

Khoai lang Lệ Cần thường cho thu hoạch trái vụ so với nhiều vùng cả nước nên luôn bán được giá cao, 8.000-11.000/kg. Mỗi hecta có thể thu về 200 - 250 triệu đồng/năm, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho ông Trình.

Ông Trình cũng xây dựng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Tân Bình với 8 thành viên nhằm liên kết với bà con để phát triển giống khoai lang Lệ Cần.

Năm 2022, ông cùng các hội viên trong HTX trồng gần 50ha khoai, đạt sản lượng 400 tấn. Với mức giá 15.000 đồng/kg, cao hơn hẳn mọi năm, các hội viên đều có được khoản thu không nhỏ.

"Những năm trước, tôi thường thuê đất để mở rộng quy mô trồng khoai. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, nguồn đất thuê khan hiếm nên tôi chỉ trồng được 7ha trên diện tích đất của mình. Tôi mong chính quyền có thể quy hoạch đất để bà con cùng xây dựng, mở rộng vùng khoai Lệ Cần", ông Trình mong muốn

Để tránh cảnh "được mùa, mất giá", lão nông Nguyễn Trình còn nghiên cứu, chế biến khoai lang Lệ Cần thành các sản phẩm như tinh bột khoai lang và miến khoai.

Lão nông thu tiền tỷ mỗi năm với đặc sản khoai vàng trái vụ  第3张

Những bó miến được ông Trình làm từ tinh bột khoai Lệ Cần (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Trình chia sẻ, từ bắt đầu năm 2020, ông đã mày mò trên mạng để làm ra một chiếc máy làm tinh bột khoai. Sau đó, ông dùng tinh bột này để làm ra món miến khoai, bán với giá cao, khoảng 120 nghìn đồng/kg.

Lão nông thu tiền tỷ mỗi năm với đặc sản khoai vàng trái vụ  第4张

Ông Nguyễn Trình đang nghiên cứu chế tạo máy thu hoạch khoai lang (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Với nguồn khoai dồi dào, tôi mạnh dạn chế biến sản phẩm tinh bột và miến khoai. Mọi người dùng thử và đánh giá cao nên tôi đầu tư máy móc để sản xuất công nghiệp", ông Trình chia sẻ.

Nhờ nguồn thu từ khoai lang, lão nông sở hữu hơn 10ha cây cà phê, 7ha khoai lang, 3ha vùng trồng khoai tây và một số diện tích khác trồng dược liệu. Qua đó, ông Trình tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động người địa phương, lúc vào vụ, thuê 50 người/ngày.

Ông Trương Minh Thắng - Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, khoai lang Lệ Cần là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Hiện nay, giống khoai này đã được rất nhiều khách hàng trên cả nước đón nhận. Những năm qua, người dân đã cùng liên kết để phát triển khoai lang Lệ Cần. Xã cũng đồng hành với HTX, giúp việc tập huấn kiến thức, tìm đầu ra ổn định hơn để giúp bà con có nguồn thu nhập cao hơn.