Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đại diện các bộ ngành, đơn vị liên quan, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.Vẫn còn một số vướng mắc
Hội nghị đã trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Tại hội nghị, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu tập trung nghiên cứu góp ý, trao đổi về các nội dung cụ thể như: công bố giá xăng dầu; cơ chế điều hành giá xăng dầu; xử lý số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu; nguồn kinh phí phục vụ mua thông tin giá sản phẩm xăng dầu thế giới để làm căn cứ cho các thương nhân đầu mối thực hiện tính toán; nhiệm vụ khi nhận chuyển giao từ Bộ Tài Chính; quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu; sự cần thiết, vai trò của thương nhân phân phối trong hệ thống kinh doanh xăng dầu; số ngày dự trữ lưu thông, cơ chế điều hành và quản lý xăng dầu dự trữ lưu thông…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu.Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong các văn bản quy phạm pháp luật, mặt hàng xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh chiến lược. Xăng dầu cùng với điện, khí đốt được coi là “bánh mì” của nền kinh tế.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật từ trước đến nay đều quy định xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, những điều kiện nêu ra tại Nghị định này là vừa bảo đảm được cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm cơ chế quản lý của Nhà nước. Đây là lần thứ 4 Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành cả bằng văn bản và trực tiếp, cũng là lần thứ 4 trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi từ Nghị định 83, Nghị định 95, Nghị định 80 để có được phương án hoàn hảo nhất, phù hợp nhất so với tình hình hiện nay.
Đến thời điểm này, theo báo cáo của Ban biên soạn, Tổ biên tập, vẫn còn một số vướng mắc, mặc dù trong quá trình soạn thảo, Bộ Công Thương đã tuân thủ những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đó là thực hiện cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm hướng tới mục tiêu góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, vừa phải vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số của nền kinh tế.
Bộ Công Thương đã tôn trọng 5 nguyên tắc cơ bản được nêu trong quá trình soạn thảo và đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kế thừa những ưu điểm trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn cả quốc tế và trong nước; giảm sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân; cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tham dự. Đồng thời cam kết, đối với các ý kiến xác đáng, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, với quy định của luật pháp hiện hành và phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu ở nước ta trong những năm qua.
“Quan điểm của Ban soạn thảo là tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý Nhà nước tốt nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Lấy ý kiến còn hình thức và chưa thực sự công bằng
Trước đó, nhóm thương nhân phân phối xăng dầu và thương nhân bán lẻ xăng dầu đã có văn bản gửi Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến việc sửa nghị định kinh doanh xăng dầu - dự thảo số 04 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.
Một cửa hàng xăng dầu đóng cửa năm 2022.Nhóm thương nhân cho rằng, những quy định được Bộ Công Thương đề xuất phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành "lợi ích nhóm", hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về cơ chế quản lý giá xăng dầu, được nhận xét là tiếp tục duy trì phương pháp ấn định giá bán lẻ bằng mệnh lệnh hành chính, trong khi giá đầu vào nhập khẩu phụ thuộc thế giới là trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh và quy luật thị trường, phương pháp tính giá xăng dầu không bảo đảm minh bạch và cạnh tranh.
Đặc biệt, việc lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo nghị định còn mang tính hình thức, chưa thực chất, thiếu toàn diện và đầy đủ đối với các đối tượng chịu sự tác động, chưa bảo đảm đúng yêu cầu theo quy định...
Ngoài ra, hiện khi một phần nguồn cung xăng dầu đã được sản xuất trong nước, tại sao vẫn quy định chỉ có thương nhân đầu mối mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước mà thương nhân phân phối lại không được?!.
Hơn nữa, dự thảo nghị định còn quy định thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ thương nhân đầu mối khác, trong khi đó thương nhân phân phối lại chỉ được mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối, không được mua bán với nhau.
Với cách thức quy định về quyền kinh doanh như dự thảo nghị định, các thương nhân đầu mối sẽ đương nhiên trở thành người lãnh đạo thị trường. Vô hình trung biến các doanh nghiệp còn lại là rơi vào vị thế phụ thuộc hay làm thuê, trừ các doanh nghiệp là công ty con của thương nhân đầu mối.
Trong khi đó, Luật Cạnh tranh 2024 nêu rõ, một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85 thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Thực tế, từ nhiều năm qua trên thị trường có một doanh nghiệp siêu lớn chiếm tới 51% thị phần là Petrolimex, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng.
Ngoài ra, 6 doanh nghiệp lớn cùng là thương nhân đầu mối đang chiếm 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.
Cùng với việc trao quyền quyết định giá, phân phát chiết khấu cho các khâu, nhóm thương nhân cho rằng, khó có thể còn cạnh tranh khi thương nhân đầu mối nắm thế "điều hành".
Vì thế, rất mong có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền, hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thôn tính phù hợp với tinh thần, mục tiêu của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, bỏ các quy định phân loại thương nhân, thay vào đó quy định đối tượng điều chỉnh của Nghị định là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung với các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với các hoạt động kinh doanh cụ thể.
Đăng thảo luận