Nghiên cứu mới tại BV Chợ Rẫy về mối liên quan giữa gan nhiễm mỡ và thận
(Dân trí) - Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã có báo cáo về mối liên quan giữa sự lắng đọng mỡ ở gan và thận, thông qua kết quả nghiên cứu 183 ca MRI.
Theo các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), gan nhiễm mỡ và thận nhiễm mỡ là hai tình trạng riêng biệt, xuất phát từ sự tích tụ chất béo trong các tế bào của cơ quan tương ứng. Gan nhiễm mỡ được nghiên cứu từ nhiều năm nay, nhưng thận nhiễm mỡ mới được quan tâm gần đây.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là đánh giá mối liên quan giữa sự lắng đọng mỡ ở gan và thận, bằng cách sử dụng chuỗi xung (in-phase và out-of-phase) của hình ảnh cộng hưởng từ (MRI).
Theo đó, các nhân viên y tế đã phân tích MRI của những cá nhân được giới thiệu đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/4 để thực hiện MRI bụng với bất kỳ chỉ định. Đối với mỗi cá nhân, nhóm nghiên cứu lấy dữ liệu về giới tính, tuổi tác, đo đạc cường độ tín hiệu gan, thận.
Hình ảnh thận nhiễm mỡ (Ảnh: NT).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 183 ca MRI bụng thu thập được có độ tuổi trung bình là 56 tuổi, 53,5% là nam. Có 24,6% ca bị chẩn đoán gan nhiễm mỡ và hơn 26% bị tích tụ mỡ ở thận (thận nhiễm mỡ). Trong số 45 bệnh nhân gan nhiễm mỡ, có 18 bệnh nhân (40%) cũng bị thận nhiễm mỡ.
Còn trong số 138 bệnh nhân không bị gan nhiễm mỡ, chỉ có 30 ca (21,7%) có thận nhiễm mỡ. So với những người gan bình thường, người nhiễm mỡ gan có tỷ lệ bị thận nhiễm mỡ gấp 2,4 lần.
Nhóm nghiên cứu kết luận, những người bị gan nhiễm mỡ có nhiều khả năng bị thận nhiễm mỡ. MRI là phương pháp chính xác để chẩn đoán thận nhiễm mỡ. Việc xem xét kết quả chụp MRI bụng của bất kỳ chỉ định nào cũng cần bao gồm việc đánh giá lắng đọng mỡ trong thận và gan.
Chia sẻ tại hội nghị khoa học Cận lâm sàng Bệnh viện Chợ Rẫy 2024, chủ đề "Tiếp cận công nghệ cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị", vừa diễn ra ở TPHCM, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, khoa học công nghệ được xác định là một trong 2 lĩnh vực là quốc sách hàng đầu, động lực cho sự phát triển của đất nước.
Trong lĩnh vực y tế, để phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, các thầy thuốc luôn là những người đi tiên phong, tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, để vận dụng sáng tạo vào những hoạt động chẩn đoán, điều trị.
Trong những năm qua, với sự bùng nổ về tiến bộ khoa học kỹ thuật, nền y học trong nước ngày càng phát triển mạnh. Bên cạnh các kỹ thuật điều trị lâm sàng, cận lâm sàng không nằm ngoài guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì có liên quan trực tiếp đến 3 lĩnh vực: Công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý.
Nhờ đó, hiện nay phần lớn các xét nghiệm hóa sinh, miễn dịch và huyết học truyền máu, một số xét nghiệm vi sinh, di truyền, sinh học phân tử, tế bào… đã và đang tự động hóa trên các hệ thống rất hiện đại, cho ra kết quả nhanh chóng, rút ngắn rất nhiều thời gian so với trước đây.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: BV).
Về xét nghiệm vi sinh, ứng dụng khoa học công nghệ hiện tại có thể giúp phòng xét nghiệm định danh vi khuẩn, các gen kháng thuốc, nuôi vi khuẩn từ các mẫu bệnh phẩm trong thời gian rất ngắn, giúp bác sĩ chọn được kháng sinh thích hợp theo yêu cầu, hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh.
Về giải phẫu bệnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tự động hóa giúp việc chẩn đoán nhanh chóng, chính xác, hạn chế tính chủ quan, chia sẻ hình ảnh trực tiếp cho các chuyên gia để rút ra được chẩn đoán chính xác nhất.
Ngoài ra, khoa học công nghệ còn được ứng dụng trong sinh hóa, giúp theo dõi nồng độ kháng sinh, thuốc điều trị, thuốc ức chế miễn dịch. Bên cạnh đó, là những phát triển vượt bậc trong chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân… góp phần khẳng định vai trò quan trọng của cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị.
Đăng thảo luận