LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM
Nghề cày ngày cày đêm, ép hạt gạo "nhả" ra sợi vàng
06/06/2024 - 08:07(Dân trí) - Huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) là nơi có nhiều nghề truyền thống như chiếu Cẩm Nê, bánh tráng Túy Loan… nhưng ít người biết ở xã Hòa Tiến vẫn còn một nghề làm bún, mì khô từng nổi tiếng một thời.
Khoảng 8h, khi mặt trời lên cao cũng là thời điểm ông Nguyễn Hồng Dương mang mẻ bún vừa xếp lên phên (vỉ làm bằng tre) ra sau vườn để phơi.
Suốt 30 năm gắn bó với nghề làm bún, mì khô, ông không nhớ nỗi đã trải qua bao nhiêu thời kỳ khó khăn với cái nghề "vang bóng một thời" ở thôn Dương Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) này.
Nói về những sản phẩm của mình, ông Dương cho hay, bún khô ở thôn Dương Sơn có màu trắng còn mì khô có màu vàng bắt mắt. Để một mẻ bún, mì khô đến với tay người tiêu dùng thường phải mất gần 2 ngày với rất nhiều công đoạn khác nhau.
Đầu tiên, vo sạch gạo rồi ngâm nước từ sáng sớm. Tiếp đó vớt gạo ra để ráo cỡ 2 tiếng rồi xay thành bột. Bột gạo được nhào đều rồi ủ. Đến chiều muộn khi bột đã đạt chất lượng mới cho vào máy ép thành bún hoặc mì.
"Một ngày xay 150kg gạo để làm bún. Với số lượng gạo nhiều vậy, đòi hỏi người làm phải có bí quyết, ngay cả lượng nước đổ vào ngâm cùng bột gạo xay cũng không thể sai mới cho ra được sợi bún dai, đẹp mắt", ông Dương nói.
Khi bột đã đạt chất lượng, ông Dương sẽ cho vào máy nhiều lần để bột chín rồi mới ép thành sợi bún hoặc mì.
Ông Dương tâm sự, chiếc máy ép bún được ông mua từ năm 1995 với giá gần 1,5 cây vàng. Nhờ sự hỗ trợ của máy đã rút ngắn thời gian làm bún và nâng cao hơn chất lượng sản phẩm.
Các sợi bún đều tăm tắp được ép ra từ máy. Dù phương pháp làm bún của gia đình ông Dương kết hợp giữa công thức thủ công truyền thống và máy móc hiện đại, thế nhưng tay nghề, kỹ thuật của con người lại là yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún.
Với kinh nghiệm của mình, khi sợi bún vừa ra khỏi máy, bà Phạm Thị Trà (vợ ông Dương) cảm nhận được bún đã chín hay chưa. Nếu bún chưa đủ độ chín, bà sẽ đưa lên cho chồng ép lại để cho ra thành phẩm ưng ý.
Sợi bún chạy ra từ máy được bà Trà cắt thành từng đoạn ước chừng khoảng 1kg để thuận tiện cho công đoạn tiếp theo.
Bún, mì khô sau khi để nguội được tách thành từng nắm nhỏ. Mì sẽ được cuốn theo hình tròn để đặt lên phên. Ông Dương cho hay, 1kg gạo chỉ cho ra được 9g bún và mỗi ngày, cơ sở của ông cho ra thị trường khoảng 150kg bún khô thành phẩm.
Bún, mì được mang đi phơi vào thời điểm nắng gắt để khô nhanh từ đó sản phẩm sẽ bóng đẹp và thơm mùi nắng.
Ông Dương cũng tiết lộ, khi phơi nắng bún, mì sẽ nằm gọn trên phên, còn phở khô sẽ treo trên thanh tre để sợi rũ xuống.
Bún, mì khô thành phẩm được gia đình bà Trà bán giá 25.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, hai vợ chồng kiếm được khoảng 1 triệu đồng, chưa trừ các chi phí đầu vào.
Bà Trà cho hay, ngày nay, sản phẩm bún khô Hòa Vang không còn quá nổi tiếng và thị trường cũng thu hẹp. Trước đây thôn Dương Sơn cũng có vài cơ sở chế biến sản phẩm này, nhưng vì thu nhập không được cao nên đã đóng cửa dần và giờ cả thôn chỉ còn gia đình bà theo nghề.
"Dù vất vả và thu nhập không còn quá cao nhưng tôi cũng vui vì vẫn còn giữ được cái nghề đã nuôi sống gia đình suốt 30 năm qua", bà Trà tâm sự.
Đăng thảo luận
2024-10-30 22:54:54 · 来自171.10.138.255回复
2024-10-30 23:04:58 · 来自210.38.213.198回复
2024-10-31 06:04:57 · 来自210.42.32.186回复
2024-11-03 09:14:55 · 来自171.9.50.178回复
2024-11-03 09:24:54 · 来自106.87.227.233回复
2024-11-03 09:34:56 · 来自121.77.102.232回复