Tôi thấy người Việt có khả năng ở hạng mục văn học nhất.

13h ở Stockholm, Thụy Điển ngày 10/10 (18h, giờ Hà Nội), Giáo sư Mats Malm - thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - công bố nhà văn Han Kang thắng giải Nobel Văn chương 2024.

Những năm trước khi công bố giải Nobel Văn chương, rất nhiều người đồn đoán tác giả Nhật Bản Haruki Murakami. Năm này qua năm khác, ông vẫn là một trong những cái tên đứng đầu dự đoán thắng giải.

Nhưng trớ trêu thay, chưa lần nào ông được xướng tên. Khoảng ba năm gần đây, Tàn Tuyết - nhà văn Trung Quốc thay thế Murakami, được nhiều người đự đoán sẽ thắng giải.

Năm nay, giải đã được trao cho nhà văn người Hàn Quốc.

Có một số người hỏi người Việt chưa đoạt giải Nobel và đưa ra nhiều nhận định. Là một người theo dõi tin tức về văn học, tôi thấy người Việt có khả năng ở hạng mục văn học nhất. Các mảng còn lại thuộc về khoa học cơ bản và nghiên cứu. Chúng ta không có thế mạnh về những lĩnh vực này.

Thực tế là sau 50 năm, danh sách đề cử giải Nobel Văn chương được công bố vào năm 2022, nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử vào năm 1972.

Khả năng là vậy. Còn hiện thực thì sao? Tôi thấy các tác phẩm văn học của ta hiện nay nhiều, nhưng về chất thì chưa có gì nổi trội lắm. Đọc các tác phẩm của nhà văn trẻ bây giờ, tôi thấy họ có xu hướng lặp lại những gì mà thế hệ trước đã viết - và viết rất tốt hơn họ.

Một người bạn của tôi làm nghề viết, nói rằng nếu viết nghiêm túc thì khó kiếm tiền. Nên chuyển sang viết self-help (dạy đời qua mạng online) và ngôn tình, đam mỹ. Và thực sự, những thể loại này, lại không phong phú bằng văn học mạng Trung Quốc.

Chúng ta hô hào văn hóa đọc, nhưng chính độc giả vẫn đọc những tác phẩm dễ dãi, người có đam mê nghiêm túc với nghề văn thì lo không đủ sống. Chẳng lẽ hạng mục có khả năng nhất, cũng không ai đoái hoài tới hay sao? Dù biết rằng, mơ ước của tôi nhiều bạn sẽ cho là hoang tưởng.

*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết chủ đề đọc sách, văn học của bạn tại đây.

Thái Trung