Trong một cuộc thi, ngoài kiến thức, may mắn, còn cần cả sự liều lĩnh, tốc độ và cả chiến thuật nữa. Nhà vô địch Olympia Võ Quang Phú Đức áp dụng hai bí quyết này để chiến thắng. Em có đáng bị "ném đá"?

Nhà vô địch Olympia có đáng bị 'ném đá'?  第1张

Võ Quang Phú Đức là nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2024 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Sau khi giành được vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Oympia 2024, nhà vô địch Võ Quang Phú Đức chia sẻ "sự gan lì và chiến thuật thông minh" chính là hai bí quyết giúp em chiến thắng.

  • Nhà vô địch Olympia chia sẻ 'sự gan lì, chiến thuật thông minh' để giành vòng nguyệt quế

Tuy nhiên, ngay lập tức đã có không ít chỉ trích nhắm đến em.

Vì sao người ta lại công kích Võ Quang Phú Đức ngay sau cuộc thi? Điều này có quá đáng với một cậu học sinh 17 tuổi?

Nhằm góp thêm góc nhìn, dưới đây là ý kiến của bạn đọc Nhất Nguyên.

Sau khi cậu học sinh giành vị trí quán quân một cuộc thi kiến thức trên truyền hình thì gần như ngay lập tức đã có không ít những chỉ trích nhắm đến cậu.

Cho rằng hành động ăn mừng khi chương trình chưa chính thức kết thúc, rằng hành động nhấn chuông giành quyền trả lời, tước đi cơ hội của thí sinh khác là tiểu xảo, là nhỏ nhen.

Thậm chí, nhiều người còn dùng những từ ngữ hết sức khó nghe để "ném đá" cậu, rồi lăng mạ cả gia đình, nhà trường, nơi cậu đang theo học.

  • Nhà vô địch Olympia có đáng bị 'ném đá'?  第2张

    Góp ý nhau, xin đừng 'rần rần ném đá'!ĐỌC NGAY

Những ai thường xuyên theo dõi chương trình kể trên đều không khó nhận ra việc cậu làm là hoàn toàn đúng quy định của chương trình.

Cụ thể là nếu một bạn học sinh không trả lời được thì các bạn còn lại đều có cơ hội giành lấy ngang nhau, ai nhanh tay hơn thì được.

Và điều này đã được nhiều bạn học sinh, qua nhiều năm, áp dụng để bảo vệ vị trí dẫn đầu của mình.

Trong một cuộc chơi như thế, ngoài kiến thức, may mắn, còn cần cả sự liều lĩnh, tốc độ và cả chiến thuật nữa.

Các em đến để giao lưu, học hỏi, để thi thố, thể hiện kiến thức, sao người lớn cứ xét nét, so đo?

Thực tế cậu học sinh này chẳng phải là nạn nhân đầu tiên và duy nhất.

Năm ngoái, nhà vô địch cũng bị "tấn công mạng" vì đối đáp trực tiếp với người dẫn chương trình trong câu trả lời.

Hay năm 2020, một cô học sinh khác cũng bị "tấn công mạng" ồ ạt vì hành động ăn mừng, bị cho là "quá khích", "không phù hợp với tuổi học sinh" của mình.

Ở tuổi 17 của mỗi người chúng ta, liệu chúng ta có lần nào không phấn khích với thành công của mình? Chúng ta có đạt thành tích gì đáng nể như các cô, cậu học sinh này vào năm 17 tuổi?

Và ai cấm các bạn học sinh ở lứa tuổi này được thể hiện, bộc lộ cảm xúc của mình?

Ngày nay, quá dễ dàng để chúng ta ngồi sau bàn phím, thể hiện quan điểm của mình qua việc gõ chữ rồi cứ thế đăng lên.

Chỉ cần đi vào một nội dung nào đó trên mạng xã hội là dễ dàng thấy rất nhiều bình luận nhằm hạ bệ, lăng mạ người khác - những người mà họ còn thậm chí chưa gặp bao giờ.

"Bạo lực mạng" bản thân nó là hành vi không được hoan nghênh. "Bạo lực mạng" do người lớn khởi xướng nhắm vào cậu học sinh 17 tuổi lại càng không nên.

Xin hãy dừng những hành vi mang tính "bạo lực mạng" như thế!