Chính phủ đề xuất chỉ tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư cá nhân không tham gia trực tiếp mà qua các quỹ.
Ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật (gồm Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý - sử dụng tài sản công, Quản lý thuế và Dự trữ quốc gia).
Một trong những thay đổi lần này khi sửa Luật Chứng khoán, theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi là quy định về phát hành, chào bán chứng khoán ra công chúng và riêng lẻ. Cụ thể, Chính phủ đề xuất chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ. Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư cá nhân không được tham gia thị trường này.
Lý do theo Chính phủ, trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt loại do doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, là sản phẩm có tính rủi ro cao. Nhiều nước không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia thị trường này, song thực tế giao dịch mua bán, đầu tư được thực hiện giữa các tổ chức chuyên nghiệp. Số này gồm công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và ngân hàng. Các nhà đầu tư cá nhân thường không tham gia trực tiếp thị trường này do hạn chế về quản trị rủi ro và nguồn lực.
Việc quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần thiết, theo tờ trình của Chính phủ. Bởi, nhà đầu tư là tổ chức có đủ nguồn lực, nhân lực và khả năng phân tích tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức phát hành. Họ cũng có các giải pháp về quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, phòng ngừa rủi ro.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại phiên thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Chính phủ cho hay việc bổ sung quy định này không hạn chế sự tham gia của cá nhân vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, do vậy không hạn chế khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường này. Nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia thông qua các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ. Đây là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, được cấp phép, giám sát bởi các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thị trường trái phiếu phát triển nóng giai đoạn 2017-2021, nhưng ảm đạm từ cuối 2022 sau biến động mạnh từ vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhà đầu tư mất niềm tin, yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới, chậm trả nợ và phải đàm phán kéo dài thời hạn thanh toán cho trái chủ. Để siết lại thị trường, nhà chức trách đưa ra nhiều quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, như tiêu chí xác định đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng quy định trên có thể giảm rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khi quản trị của nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước còn hạn chế.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung số liệu về cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ, cũng như đánh giá tác động việc giới hạn cá nhân tham gia thị trường này.
Ông Mạnh cũng cho hay, quá trình thẩm tra, có ý kiến cho rằng nhà đầu tư cá nhân là nhóm lớn tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Việc loại họ sẽ dẫn đến thu hẹp thị trường này và ảnh hưởng lớn tới thanh khoản, huy động vốn của doanh nghiệp.
Do đó, thay vì cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia, các ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị giao Chính phủ đưa ra tiêu chuẩn, điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Việc này nhằm bảo đảm nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi rót tiền.
Tình hình phát hành của doanh nghiệp rục rịch trở lại cuối 2023. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tháng 9 có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khoảng 40.200 tỷ đồng. Mức này giảm 8,5% so với tháng trước và tăng gần 68% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế 9 tháng, 71 đơn vị phát hành trái phiếu riêng lẻ, với 258.800 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả nợ trái phiếu. Theo tính toán của công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings, tới giữa tháng 5/2025 sẽ có 216.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, 9% trong số này có rủi ro cao chậm trả nợ gốc.
Bộ Tài chính tính toán quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể lên tới 2,5 triệu tỷ đồng.
Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan chứng khoán, tài chính sẽ trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 8, khai mạc vào 21/10.
Đăng thảo luận