Những thói quen hằng ngày khiến trẻ kém thông minh, thích sống "phông bạt"

(Dân trí) - Việc thường xuyên tiếp cận các video clip ngắn, những nội dung nhảm nhí, phô trương lối sống xa hoa, khoe mẽ... khiến giới trẻ kém phát triển trí não, thích sống ảo, tạo thói "phông bạt".

Những ngày qua, cụm từ sống "phông bạt", sống "ảo", thích màu mè... được xã hội nhắc đến nhiều hơn sau khi Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin sao kê tài khoản ủng hộ đồng bào bão lũ.

Lý do là không ít người, dù tự khoe đã ủng hộ số tiền lớn, thậm chí lên đến hàng trăm triệu, nhưng, qua kết quả "check var" mà dân mạng kiểm tra sao kê, số tiền thực tế không đúng như vậy.

Những người này bị nhận xét là sống "phông bạt" bởi họ tạo dựng một hình ảnh giả tạo, thích phô trương, khoe khoang sự hào nhoáng không có thật.

Thực tế trong đời sống học sinh, sinh viên cũng bộc lộ nhiều cá nhân dù không có điều kiện kinh tế tốt nhưng lại chạy theo lối sống xa hoa, sang chảnh. Không ít trường hợp yêu cầu bố mẹ phải chu cấp xe sang, điện thoại xịn, quần áo đẹp, đáp ứng nhiều nhu cầu cao như đi cà phê, làm đẹp, thư giãn, du lịch...

Nhìn nhận về thực tế này, ThS truyền thông Phạm Công Nhật - giảng viên truyền thông tại TPHCM - cho hay, cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, các trào lưu văn hóa xuất hiện ngày càng dễ dàng và nhanh chóng trên không gian mạng, ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý, tình cảm của người trẻ hiện nay.

Những thói quen hằng ngày khiến trẻ kém thông minh, thích sống "phông bạt"  第1张

ThS truyền thông Phạm Công Nhật - giảng viên truyền thông tại TPHCM - trong một buổi chia sẻ với sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh những trào lưu tốt, cũng là những mối nguy từ trào lưu văn hóa lệch chuẩn. Để trở thành "điểm nhấn" trong dòng chảy đó, nhiều người trẻ đã không ngần ngại tạo ra những trào lưu không tích cực để "câu like", "câu view".

Điều này khiến không ít người, đặc biệt là một bộ phận học sinh, sinh viên gen Z có xu hướng thần tượng những hiện tượng khoe mẽ lối sống giàu sang, xa hoa, sành điệu...

Việc này có thể đến từ những suy nghĩ ngây thơ do thế giới quan còn mỏng và tư duy phản biện không sâu, bị tâm lý fomo (một hội chứng được hiểu như một nỗi sợ hãi, lo lắng đáng kể về việc bản thân bỏ lỡ những điều thú vị, hấp dẫn trong cuộc sống mà người khác được trải nghiệm, hoặc đơn giản là không biết điều về bạn bè xung quanh đều bàn tán) ảnh hưởng ngay cả khi chưa nhưng có thông tin để kiểm chứng.

Vì thế, theo ông Nhật, không khó hiểu khi thời gian qua xuất hiện những hiện tượng sống "phông bạt" như tạo dựng hình ảnh giàu sang giả tạo hay chỉnh sửa hình ảnh giao dịch chuyển tiền ủng hộ...

Những thói quen hằng ngày khiến trẻ kém thông minh, thích sống "phông bạt"  第2张

Không ít sinh viên có lối sống "phông bạt" dù điều kiện kinh tế không tốt (Ảnh minh họa được tạo bởi AI).

Ông lý giải, mong muốn khao khát được nhiều người biết đến, nổi tiếng là một trong những thứ rất phổ biến ở con người nói chung và giới trẻ ngày nay nói riêng.

ThS Phạm Công Nhật cho rằng khao khát nổi tiếng khiến cho một số bạn liều mình làm, dù biết sẽ có hậu quả. Song, họ có thể chưa chuẩn bị hoặc hình dung hết khi hậu quả xảy ra sẽ chống đỡ như thế nào.

Hậu quả để lại của lối sống ảo, thích "phông bạt" là khá rõ ràng đối với cá nhân. Khi sự thật bị phơi bày thì mọi giá trị bản thân xây dựng trước đó dễ bị đánh mất hoàn toàn.

Vị giảng viên truyền thông phân tích rằng, có thể trước đây, bạn làm nhiều điều tốt, song, chỉ vì một vài sai lầm khuếch trương, không đúng sự thật sau khi bị phát hiện thì những điều tốt sẽ bị xóa nhòa, thậm chí về số âm.

Không những thế, các cá nhân này sẽ góp phần khiến niềm tin trong xã hội ngày càng bị thui chột. Một khi niềm tin bị mất đi sẽ cần rất nhiều thời gian để khôi phục lại.

"Khi chúng ta làm tốt thông tin chưa chắc được lan tỏa xa và sâu nhưng khi làm điều sai lầm thì tin tức được lan truyền rất nhanh", ThS Phạm Công Nhật nhận định.

Chưa kể, điều này cũng để lại nhiều hệ quả trong xã hội, đặc biệt là lứa trẻ nhỏ, học sinh, chưa đủ kiến thức để phân biệt thông tin. Khi chúng ta trưng những điều lung linh của mình lên, có một số trẻ nhỏ, học sinh thấy sự hào nhoáng, sinh ra cảm giác tự ti khiến cho các bạn bị trầm cảm hoặc ảo tưởng về lối sống không có thật.

Những thói quen hằng ngày khiến trẻ kém thông minh, thích sống "phông bạt"  第3张

Không ít bạn trẻ có đời sống thực tế và bề ngoài khác xa nhau (Ảnh minh họa được tạo bởi AI).

Về nguyên nhân sâu xa, ông cho rằng một phần lớn hệ quả đến từ việc học sinh, sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung đang được tiếp xúc với mạng xã hội một cách khó kiểm soát, không phân biệt những nội dung cho lứa tuổi phù hợp.

"Giới trẻ ngày nay dưới tác động của mạng xã hội nên tư duy không sâu bằng thế hệ trước", ông Nhật nhận định.

Ông nêu ví dụ, trước đây, để tiếp cận thông tin, mọi người sẽ phải đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu hoặc xem các video clip dài 10-20 phút khiến cho não phải suy nghĩ rất nhiều. Thậm chí, có những vấn đề phải coi đi coi lại rất nhiều mới thẩm thấu.

Còn ngày nay, đa số giới trẻ tiếp cận những thông tin ngắn gọn, thích xem những video clip chỉ dài 15-30 giây. Thói quen này ảnh hưởng tới sự tập trung, kiên nhẫn, độ sâu về mặt tư duy khiến trẻ không cần suy nghĩ nhiều.

Lâu dần, não bộ kém phát triển, ảnh hưởng đến tư duy, hành động, suy nghĩ không thấu đáo, chưa lường trước được hậu quả.

"Não bộ cũng giống như cơ, càng luyện tập càng lâu càng tốt, luyện tập thường xuyên mới phát triển được", ông Nhật bày tỏ.

Những thói quen hằng ngày khiến trẻ kém thông minh, thích sống "phông bạt"  第4张

Học sinh ngày nay sớm được tiếp cận với thiết bị thông minh nhưng không được kiểm soát nội dung (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Việc tiếp cận các thông tin nguy hại trên mạng xã hội cũng từng bị Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo hiểm họa khi nhiều video clip đang khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.

Các bạn trẻ thường xuyên theo dõi những nhà sáng tạo nội dung có khả năng chịu ảnh hưởng từ lối sống của nhiều người có sức ảnh hưởng như xây dựng hình ảnh sang chảnh, dùng đồ hiệu, đến những địa điểm nổi tiếng...

Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn nghĩ đến việc bỏ học, không cần đến trường vẫn có thể trở thành tiktoker, người của công chúng và sống cuộc đời của người nổi tiếng.

Suy nghĩ này tạo nên lối sống ảo, "phông bạt", không cần quan tâm đời sống thực tế như thế nào nhưng nhất định khi đăng clip lên mạng là phải đẹp, phải hào nhoáng để được nhiều người ngưỡng mộ. Không ít học sinh sử dụng tiền của cha mẹ để mua sắm, ăn uống đắt tiền phục vụ cho mục đích này.