Tỉnh Ninh Thuận tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện 11 nội dung thành phần và 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao đời sống người dân và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, dù đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực nhưng việc triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương còn nhiều khó khăn, thử thách.

Trong 12 xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có 10 xã không còn đạt ở một số tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 như: Tiêu chí thu nhập; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, địa phương chưa có sản phẩm OCOP; mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao; mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị; tỷ lệ bảo hiểm y tế...

Đáng chú ý, hai huyện Ninh Phước và Ninh Hải đạt chuẩn theo tiêu chí cũ giai đoạn 2016 - 2020 cần hoàn thiện một số nội dung ở các tiêu chí chưa đạt theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể: Huyện Ninh Phước còn 1/9 tiêu chí chưa đạt (Tiêu chí 7); huyện Ninh Hải còn 2/9 chưa đạt (Tiêu chí 7 và 9). Các nội dung chưa đạt chủ yếu như phải xây dựng mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên và xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt áp dụng biện pháp phù hợp.  

Ninh Thuận tập trung giải quyết những tồn tại trong xây dựng nông thôn mới  第1张 Tỉnh Ninh Thuận xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững. 

Đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để củng cố, nâng cao chất lượng từng tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 để đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững.

Tỉnh cũng tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện 11 nội dung thành phần và 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, tỉnh chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  

Ninh Thuận tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền tạo sự đồng thuận, khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực triển khai xây dựng nông thôn mới, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí trọng tâm như: Thu nhập, hộ nghèo, bảo hiểm y tế, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh trật tự. Các sở, ngành, hội, đoàn thể được phân công hỗ trợ các xã chủ động phối hợp với các huyện kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các xã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; trong đó, tập trung hỗ trợ các tiêu chí chưa đạt để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

UBND tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện, yêu cầu từng địa phương phải xác định rõ tiêu chí trọng tâm của Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, chú trọng đến các tiêu chí liên quan trực tiếp về đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Với quyết tâm cao, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Thuận đã huy động trên 690 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư; lồng ghép nguồn vốn từ chương trình, đề án để thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn ngày càng thay đổi rõ rệt.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2/6 huyện (huyện Ninh Phước và Ninh Hải) đạt chuẩn nông thôn mới; 32/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các huyện đã công nhận 82 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 7 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu.