Nhiều người Lebanon khó tìm được nơi ở khi sơ tán do chi phí thuê nhà cao và tình trạng quá tải, nhưng cũng không còn lựa chọn quay về.
Trong ngôi nhà chỉ đủ chỗ cho một gia đình ở khu vực Khaldeh, cách thủ đô Beirut của Lebanon khoảng 12 km, Ahmad Mansour phải chia sẻ không gian với 5 gia đình cùng hoàn cảnh.
Giống như nhiều người phải chạy trốn những cuộc không kích liên tục mà Israel giáng xuống Lebanon, ông không còn lựa chọn nào ngoài rời bỏ nhà cửa để tìm đến nơi an toàn hơn.
Đây không phải lần đầu người đàn ông 80 tuổi này phải di tản. Ông từng sơ tán khỏi thị trấn biên giới Aytaroun, nơi phải hứng chịu những cuộc pháo kích dữ dội của Israel từ khi xung đột Hezbollah - Israel bùng phát, để chuyển đến thị trấn Kharayeb.
Tuổi cao và cần chăm sóc đặc biệt, Mansour mong muốn tránh được cảnh sống trong một ngôi nhà đông đúc với những người di tản khác. Tuy nhiên, mọi chủ nhà mà ông liên lạc đều yêu cầu tiền thuê nhà "cắt cổ" và đưa ra các yêu cầu khắt khe. Trong một số trường hợp, họ đề nghị ông phải trả trước tiền thuê nhà nhiều tháng, thậm chí cả năm.
"Gia đình tôi đã mất 14 giờ di chuyển để đến Beirut. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều người chết và phải ở cùng người thân để trú ẩn trước những cuộc tấn công của Israel, dù 5 gia đình khác cũng đã lánh nạn ở đó", ông nói.
Một người đàn ông phải sơ tán nằm ngủ tại công viên ở thành phố Tripoli, miền bắc Lebanon, hôm 27/9. Ảnh: AFP
Làn sóng di tản đã tăng mạnh ở miền đông và nam Lebanon do các cuộc tấn công dữ dội của Israel những ngày gần đây. Bộ trưởng Môi trường Nasser Yassin, người phụ trách điều phối ứng phó tình trạng khẩn cấp của Lebanon, cho biết số người phải rời bỏ nhà cửa đã vượt 150.000.
Maha Farhat, 30 tuổi, cho hay cô và gia đình sống khá gần tòa nhà bị Israel tấn công trong vụ hạ sát chỉ huy cấp cao Hezbollah Fuad Shukr hồi cuối tháng 7. Gia đình Farhat đã cân nhắc chuyển đi nơi khác nhưng không đủ khả năng trả tiền thuê nhà vì "giá thuê quá điên rồ".
"Thu nhập từ công việc của tôi chỉ đủ ăn, vì vậy chúng tôi phải ở lại vùng ngoại ô phía nam dù tính mạng luôn bị đe dọa", cô nói.
Một người đàn ông có tên Hassan đến từ tỉnh Nabatieh, miền nam Lebanon, cho hay người em họ của anh đã mất nhà cửa và kế sinh nhai vì chiến sự, hiện phải vật lộn để trang trải cuộc sống tại Beirut. "Chủ nhà đang làm khó những người phải sơ tán. Giá thuê căn hộ trước đây là 500-600 USD, nhưng bây giờ tăng lên khoảng 1.000-1.300 USD và họ thường đòi đóng trước 6 tháng", Hassan nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Lebanon Walid Moussa cho rằng lợi dụng những người sơ tán vì xung đột để trục lợi là "điều không thể chấp nhận được", nhưng thừa nhận luật pháp Lebanon vẫn cho phép chủ sở hữu bất động sản tự định ra mức giá riêng mà họ cảm thấy phù hợp.
Một số chủ nhà từ chối cho thuê vì lo ngại những người thuê nhà mới sẽ không thể trả tiền nếu xung đột kéo dài. Một số cũng lo ngại người sơ tán là mục tiêu của quân đội Israel và khiến họ bị vạ lây.
Nhiều chủ nhà yêu cầu thanh toán trước quá nhiều hoặc áp giá thuê hàng tháng "cao ngất ngưởng đến mức phi lý". Ông Moussa tin rằng chính phủ Lebanon nên ban hành luật cho những tình huống đặc biệt như chiến sự nhằm ngăn chặn chủ nhà tăng giá thuê quá mức.
Tình trạng tăng giá cũng xảy ra với các mặt hàng thiết yếu khi thương nhân lợi dụng hoàn cảnh "tiến thoái lưỡng nan" của người sơ tán để thổi giá.
Người phụ nữ trú ẩn tại một trường học tại thủ đô Beirut, Lebanon, hôm 26/9. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Yassin cho biết những lý do này đã khiến người sơ tán tìm đến các điểm trú ẩn của chính phủ thay vì thuê nhà, bất chấp tình trạng quá tải.
Michael Young, chuyên gia về Lebanon tại Trung tâm Carnegie Trung Đông có trụ sở tại Mỹ, nhận định một số cộng đồng không phải người Shiite dường như ngần ngại tiếp nhận số lượng lớn người di tản vì sợ có thành viên Hezbollah trong đó. Một số cộng đồng ở Lebanon cũng lo sợ bị cuốn vào xung đột nếu tiếp nhận những người công khai ủng hộ Hezbollah.
"Cuộc khủng hoảng sơ tán đã tạo ra căng thẳng rõ ràng giữa cộng đồng Shiite và những người khác ở Lebanon. Các chủ nhà đều sợ bị Israel ném bom khi có người sơ tán", Young giải thích.
Tuy nhiên, nhiều sáng kiến nhân đạo đang được thực hiện. Các trường học, nhà thờ hay thánh đường Hồi giáo đã mở cửa đón người sơ tán, thể hiện tinh thần đoàn kết và nhân đạo vượt qua chia rẽ về tôn giáo, chính trị.
Nhiều người dân Lebanon đã quyên góp và phân phát nhu yếu phẩm như sữa trẻ em, tã lót, thuốc men, thức ăn, quần áo, đồ dùng vệ sinh và sản phẩm vệ sinh phụ nữ, tới các địa điểm trú ẩn.
Giao tranh vẫn tiếp diễn. Các cuộc không kích dữ dội của Israel suốt hơn một tuần đã khiến hơn 700 người thiệt mạng, trong đó có phụ nữ, trẻ em và nhân viên y tế, cùng hơn 5.000 người bị thương.
Vũ Hoàng (Theo Euronews, Al Jazeera, AFP, Reuters)
Đăng thảo luận