Sau Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới cuối năm 2023, Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để hiện thực hóa các cam kết đó, Việt Nam đã và đang hoàn thiện nhiều công việc liên quan như khuôn khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng theo Quy hoạch điện VIII.

Những công việc này, trên thực tế, đã bắt đầu từ gần 3 năm trước, khi tại Hội nghị COP26 tại Anh, Việt Nam đã cam kết đạt PTR0 vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng.

Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung Chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo hướng tạo tiền đề cho việc xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 năm 2050”.

Phát thải ròng về 0 để chữa chịu các tổn thương  第1张Tuyến đê kè bảo vệ khu dân cư ở cửa sông tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Hội nghị COP26 với sự tham gia của 197 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa ra các cam kết và lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Trong số đó có 136 quốc gia đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ XXI. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết chấm dứt và đẩy lùi nạn phá rừng. Có 34 quốc gia và một số ngân hàng và cơ quan tài chính cam kết tăng cường hỗ trợ các dự án bền vững hơn và ngừng tài trợ quốc tế cho “lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch không có công nghệ giảm nhẹ vào cuối năm 2022, trừ những trường hợp hạn chế và được xác định rõ ràng phù hợp với giới hạn nóng lên 1,5°C và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”. Hơn 40 quốc gia đã cam kết loại bỏ than đá.

Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, xếp hạng 127 trong số 182 quốc gia theo Sáng kiến Thích ứng Biến đổi Khí hậu Toàn cầu Notre Dame (ND- GAIN) và đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2021. Việt Nam cũng chưa chuẩn bị kỹ để đối phó với các hiện tượng cực đoan, nhiệt độ nóng hơn và mực nước biển dâng (xếp thứ 91 trong số 192 quốc gia theo Chỉ số Sẵn sàng ND-GAIN).

Giả định nền nhiệt độ trung bình của Việt Nam tăng với tỷ lệ tương tự toàn cầu, tới giai đoạn 2080- 2090, nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm từ 1–3,4°C so với mức cơ sở ở giai đoạn 1986–2005, với biên độ lớn hơn giữa nhiệt độ cực đại và cực tiểu. Việc gia tăng nắng nóng cực đoan có khả năng cao sẽ khuếch đại các tác động đối với sức khỏe con người, sinh kế và hệ sinh thái.

Theo Ngân hàng Thế giới, các vùng thấp ven biển và đồng bằng lưu vực sông của Việt Nam có nguy cơ bị tổn thương rất cao đối với nước biển dâng. Nếu không có các biện pháp thích ứng hiệu quả, ước tính khoảng từ 6 triệu đến 12 triệu người có thể chịu tác động tiêu cực từ lũ lụt ven biển trong giai đoạn 2070–2100, phụ thuộc vào lộ trình phát thải toàn cầu.

Biến đổi khí hậu làm gián đoạn nền kinh tế Việt Nam

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm trầm trọng thêm những rủi ro vốn đã rất lớn do lũ lụt gây ra.

Đến giai đoạn 2035–2044, mỗi năm sẽ có thêm khoảng vài triệu người bị ảnh hưởng từ những trận lũ lụt nghiệm trọng. Biến đổi khí hậu đang ngày càng làm gián đoạn nền kinh tế Việt Nam và những khoản chi phí đang bắt đầu làm giảm tốc độ tăng trưởng. Theo tính toán nhóm nghiên cứu Ngân hàng thế giới cho thấy giai đoạn 2021-2022 Việt Nam đã thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.

Quy mô của những thiệt hại này, được dự đoán sẽ tăng nhanh, nhấn mạnh sự cấp thiết ngày càng gia tăng đối với việc Việt Nam cần phải thích ứng với các rủi ro từ biến đổi khí hậu. 

Trong khi tình trạng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của Việt Nam bắt nguồn từ trữ lượng tích tụ của GHG trong khí quyển và phản ứng chậm chạp của các tác nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm trước việc giảm thiểu phát thải GHG, tình hình trở nên trầm trọng hơn do công tác quy hoạch yếu kém và quản lý không bền vững các nguồn tài nguyên.

Trường hợp điển hình là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi có hoạt động khai thác cát liên tục làm trầm trọng thêm tác động của mực nước biển dâng đối với tình trạng xói mòn bờ biển và bờ sông.

Cục Biến đổi khí hậu (2022) cho biết, tính trung bình mỗi năm các sự kiện khí hậu cực đoan gây thiệt hại khoảng 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD/năm). Đối với vùng ĐBSCL, thiệt hại do thiên tai và BĐKH ngày càng gia tăng ở mức nghiêm trọng, thiệt hại nặng nhất là năm 2019-2020 với gần 8.000 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2010-2021, tổng thiệt hại do thiên tai và BĐKH ở vùng ĐBSCL khoảng 31.945 tỷ đồng.

Còn theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam gánh chịu thiệt hại trực tiếp về tài sản công và tư khoảng 2,4 tỷ USD hàng năm, tương đương 0,8% GDP do các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Với các cam kết tại các hội nghị nêu trên, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh và bền vững. 

Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

Tất nhiên, một sức lực khổng lồ từ nhiều nguồn phải được huy động cho cuộc chuyển đổi lớn lao chưa từng có này.

Kì tới: Việt Nam cần hàng trăm tỷ đô la để đưa phát thải ròng về 0

Lan Anh

Phát thải ròng về 0 để chữa chịu các tổn thương  第2张 Điện mặt trời áp mái giá 0 đồng và mục tiêu phát thải ròng về 0Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà (MTMN) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhiều ngành và doanh nghiệp.