Schannel đồng hành cùng Quỹ Hy vọng nhằm lan tỏa ý nghĩa dự án, giúp xây nhà tắm đạt chuẩn cho các trường vùng cao.
"Nhà tắm Hy Vọng" là dự án mới nhất do Quỹ Hy vọng khởi xướng, với mong muốn cải thiện điều kiện sinh hoạt cho học sinh nội trú ở vùng cao. Dự án ra đời trước thực trạng học sinh ở các trường bán trú, nội trú phải sử dụng nhà tắm lộ thiên, không phân khu nam nữ, không nước nóng nên co ro chịu lạnh khi mùa đông đến. Có nơi, học sinh chen chúc tắm trong nhà vệ sinh.
Hàng trăm học sinh trường PTDTBT Tiểu học Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La phải sử dụng nhà tắm tạm không mái che. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Dự án mới nhận được sự hỗ trợ truyền thông từ Schannel - Công ty Cổ phần Dịch vụ Quảng cáo và Truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok và Instagram. Hiện Schannel có tổng lượt xem mỗi tháng hơn 100 triệu với đội ngũ hơn 150 tài năng trẻ, 40 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng trực tuyến.
Ông Nguyễn Lạc Huy, giám đốc Schannel cho biết có thể mọi người thường tập trung hỗ trợ ăn, mặc cho học sinh vùng cao mà quên đi những vấn đề cấp thiết như nhà vệ sinh hay nhà tắm đạt chuẩn.
"Đây là lần đầu tiên Schannel hợp tác truyền thông cùng quỹ Hy vọng, mong rằng sẽ góp phần mang lại những thay đổi tích cực và bền vững thông qua những nội dung chúng tôi đăng tải về dự án trên mạng xã hội", ông Huy nói.
Schannel tin tưởng dự án sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng và các nhà hảo tâm để có thể giúp đỡ được nhiều trẻ em hơn nữa.
Quỹ Hy vọng cùng Schannel tổ chức khởi công nhà tắm tại Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ngày 1/10/2024. Ảnh: Thanh Nga
Nhà tắm Hy Vọng là dự án nằm trong chương trình Ánh sáng học đường, được Quỹ Hy vọng triển khai từ năm 2018. Bắt đầu từ các hoạt động xây phòng lớp học, nhà bán trú, nhà công vụ, nhà bếp... chương trình mở rộng hỗ trợ xây nhà vệ sinh, trang bị thư viện điện tử, tài trợ dinh dưỡng và đến nay thực hiện dự án xây nhà tắm.
Bà Nguyễn Xuân Tú, giám đốc Quỹ Hy vọng cho biết nhiều lần chứng kiến cảnh học sinh vùng cao tắm giữa trời lạnh 10 độ nên thôi thúc Quỹ thực hiện dự án xây nhà tắm đạt chuẩn. Dự án nhằm mang đến học sinh vùng cao những điều kiện sinh hoạt cơ bản nhất, giúp các em đảm bảo sức khỏe, nâng cao nhận thức về giới tính, vệ sinh cá nhân.
"Triển khai dự án mới với sự đồng hành của Schannel, Quỹ Hy vọng như có thêm cầu nối đến với cộng đồng lớn hơn, đặc biệt là các bạn trẻ. Qua đó các bạn trẻ hiểu hơn về cuộc sống của học sinh vùng cao, nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm hơn với cộng đồng, chung tay giải quyết những vấn đề mang tính lâu dài", Giám đốc Quỹ chia sẻ.
Schannel đồng hành dự án "Nhà tắm Hy Vọng"Schannel đồng hành cùng Quỹ Hy vọng trong 3 chuyến khảo sát, khởi công dự án nhà tắm tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Video: Anh Phú
Trong thời gian từ 30/9 đến 13/10, Schannel đồng hành với Quỹ Hy vọng trong 3 chuyến khảo sát, khởi công dự án nhà tắm tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Trong đó, trường PTDTBT TH và THCS Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn có 160 học sinh bán trú, học sinh không có nhà tắm, phải dùng tạm nhà quây tôn.
Dịp khởi công nhà tắm do Quỹ Hy vọng tài trợ ngày 30/9, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thầy và trò mong chờ đến ngày khánh thành để học sinh không phải tắm nước lạnh vào mùa đông. "Mùa đông có ngày 3-4 độ C, học sinh cũng chỉ dám lau qua người, thầy cô thay nhau đốt củi, nấu nước nóng cho học trò", Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có 599 học sinh, trong đó 473 em bán trú, hơn 98% học sinh là dân tộc Mông, gần 60% số em thuộc hộ nghèo. Trước đây trường chỉ có hai công trình vệ sinh dẫn đến học sinh quá tải, nhiều em còn phải nhịn đi, không dám mơ đến có nhà tắm.
Trường PTDTBT Tiểu học Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có hơn 460 học sinh, trong đó 250 em hưởng chế độ bán trú. Nằm ở huyện vùng sâu, vùng xa, sát biên giới, thầy và trò trường PTDTBT Tiểu học Nà Nghịu gặp không ít khó khăn trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trong đó có khu nhà tắm cho các em. Hiện, trường chỉ có một nhà tắm tạm 4 khoang nhỏ, không mái che, học sinh nắng, mưa không có chỗ trú.
Dự án nhà tắm Hy Vọng nhận được nguồn tài trợ của Quỹ Thiện Tâm và UNIQLO Việt Nam, cùng sự đồng hành của Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam trong tư vấn thiết kế, giám sát thi công. Trong đó, mỗi công trình có tổng kinh phí xây dựng từ 250 triệu đến 500 triệu đồng, tùy theo quy mô và công suất sử dụng.
Độc giả đồng hành cùng dự án tại đây.
Thanh Nga
Đăng thảo luận