AnhPhu Nguyen, sinh viên Đại học Harvard, cùng người bạn tích hợp thành công phần mềm nhận diện con người theo thời gian thực lên kính Meta Ray-ban.
Theo 404 Media, Nguyen và Caine Ardayfio đã cải tiến kính thông minh của Meta bằng cách đưa vào phần mềm I-XRAY tự phát triển. Meta Ray-ban sau khi có phần mềm mới có thể sử dụng camera để quét khuôn mặt của người lạ và lấy tên của họ, thậm chí là các thông tin như địa chỉ nhà, số điện thoại và các thành viên gia đình nếu họ từng chia sẻ chúng lên Internet.
AnhPhu Nguyen. Ảnh: NVCC
Meta Ray-ban là mẫu kính thông minh được giới thiệu cuối tháng 9 năm ngoái tại sự kiện Meta Connect 2023. Đây là bản kế tiếp của Ray-Ban Stories năm 2021 và cũng là model đầu tiên trang bị trợ lý ảo Meta AI, tích hợp camera, có khả năng ghi lại âm thanh và video.
Trong video đăng trên X, Ardayfio đeo kính và tiến đến một phụ nữ xa lạ. Kính lúc này tự động quét khuôn mặt, lấy tên và thông tin về mối quan hệ bạn bè của cô, rồi giả vờ rằng anh biết cô từ trước. Trong bản demo thứ hai, Nguyen gặp một người đàn ông ngẫu nhiên, giả vờ đã đọc một tác phẩm văn học của anh ta dựa trên những thông tin mà kính cung cấp.
Phiên bản Meta Ray-ban hiện không có màn hình. Tuy nhiên, nhóm đã sử dụng phương pháp phát trực tiếp các nội dung quay từ camera của kính lên Instagram. AI sẽ theo dõi luồng phát và xác định thời điểm khuôn mặt xuất hiện, sau đó tiến hành tìm kiếm trên Internet để tìm thêm ảnh của người đó.
Từ lúc này, AI sẽ tổng hợp các nội dung trực tuyến đã viết, cơ sở dữ liệu đăng ký và thông tin công khai khác. Mọi thứ diễn ra trong khoảng vài phút, được phản hồi trên màn hình smartphone. Trong thử nghiệm của nhóm, hàng chục sinh viên Harvard đã được xác định mà không biết AI đã quét khuôn mặt để tìm thông tin về họ.
Caine Ardayfio. Ảnh: NVCC
Chia sẻ với VnExpress, AnhPhu Nguyen cho biết anh sinh năm 2003 tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), đã chuyển đến Mỹ từ năm 6 tuổi. Anh đang học ngành Công nghệ Tăng cường Năng lực con người (Human Augmentation) tại Đại học Harvard.
"Chúng tôi chỉ đơn giản là có sẵn kính Ray-ban. Nó trông gần như không thể phân biệt được với kính thông thường, một yếu tố lý tưởng để ghi hình người đối diện mà không bị nghi ngờ", Nguyen nói. "Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của dự án chủ yếu là phần mềm, bởi chúng tôi thậm chí có thể chỉ cần sử dụng camera điện thoại. Camera điện thoại ngày nay có thể zoom tới 50x hoặc hơn".
Theo Nguyen, hai người xây dựng phần mềm trong khoảng bốn ngày. Thời gian còn lại, nhóm thu thập phản hồi và viết báo cáo về cách xóa thông tin cá nhân sau khi thu thập.
"Chúng tôi sử dụng PimEyes, công cụ tìm kiếm nhận dạng khuôn mặt hiệu quả nhất hiện nay; một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) khác làm nhiệm vụ tra cứu thông tin chi tiết về một người trên web; và phần mềm còn lại là FastPeopleSearch cung cấp thêm thông tin. Toàn bộ quá trình thiết lập tự động, nhờ vào AI", Nguyen giải thích.
Nguyen chia sẻ cả hai tham gia vào mọi công đoạn của công việc nhằm hiểu rõ mình đang làm gì. Ban đầu, phần mềm chạy chậm, khoảng 1,5 phút cho mỗi kết quả nên khá mất thời gian. Nhóm sau đó thực hiện hàng loạt tinh chỉnh nhằm giúp hệ thống đưa ra phản hồi tốt và chính xác. Hiện tại, tốc độ phản hồi hệ thống còn dưới 20 giây.
Sau khi một số trang công nghệ quốc tế đưa tin về dự án, nhiều cuộc tranh cãi đã diễn ra. Một số cho rằng công nghệ này có thể được sử dụng trong an ninh hoặc thương mại, số khác lo ngại nguy cơ bị lạm dụng cho mục đích xấu hay đánh mất sự riêng tư.
Theo Nguyen, dự án nhằm mục đích nâng cao nhận thức về những gì có thể làm được với công nghệ tiêu dùng ngày nay chỉ bằng các công cụ có sẵn và công khai, gồm phần mềm tìm kiếm khuôn mặt, LLM và cơ sở dữ liệu công cộng. Nhóm cho biết không có kế hoạch phát hành bất kỳ loại sản phẩm hoặc mã nguồn nào về dự án.
Tuy nhiên, Nguyen cũng cho biết đang ấp ủ một ý tưởng công nghệ mang đến lợi ích cho mọi người. "Tôi đang làm rất nhiều thứ từ hệ thống theo dõi thói quen đến thiết bị đeo, cũng như đang xem xét các công nghệ công nghiệp và sớm biến nó thành ý tưởng khởi nghiệp", anh nói thêm.
Bảo Lâm
Đăng thảo luận