Sau 2 tuần được điều trị, chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, hai trẻ bị thương nặng do lũ quét ở bản Làng Nủ (Lào Cai) đã có một số cải thiện.

Sức khỏe hai trẻ bị lũ quét ở Làng Nủ đã có cải thiện  第1张

Bé gái 11 tuổi đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 24-9, ông Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay sau 2 tuần điều trị, bệnh nhi M.H.T.N. - nạn nhân trong vụ sạt lở do lũ quét tại bản Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) - đã có một số cải thiện. Bệnh nhi đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, ăn qua sonde.

Tuy nhiên, hiện bệnh nhi vẫn trong tình trạng nặng, phải thở máy, phối hợp nhiều kháng sinh, dinh dưỡng, phục hồi chức năng.

"Vấn đề nghiêm trọng của bệnh nhi vẫn là phổi do hít phải bùn đất và ngâm nước trong thời gian dài. Phim chụp cho thấy phổi vẫn có nhiều ổ áp xe, ho nhiều đờm… Chiều nay, bệnh viện sẽ tiếp tục hội chẩn để tập trung mọi nguồn lực tốt nhất điều trị cho cháu", ông Giáp chia sẻ.

Trước đó ngày 11-9, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhi từ tỉnh Lào Cai chuyển xuống trong tình trạng viêm phổi do đuối nước và hít bùn đất, biến chứng ARDS, đa chấn thương, gãy xương đòn phải, đụng gập gan phải, tổn thương phần mềm nhiều nơi. Bệnh nhi được theo dõi sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng, rối loạn đông máu, hội chứng tiêu cơ vân cấp.

  • Từ kỷ vật của những đứa trẻ Làng Nủ...

Ngày 15-9, Bệnh viện Bạch Mai đã mời GS.TS Hashimoto, chuyên gia hô hấp đến từ khoa hô hấp, Bệnh viện National Center for Global Health and Medicine Tokyo - Nhật Bản, cùng tham gia hội chẩn.

Bệnh nhi thứ hai là bé trai 7 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Theo thông tin từ bệnh viện, bé trai H.G.B. (7 tuổi) đã tỉnh táo, tự chơi được.

Sức khỏe hai trẻ bị lũ quét ở Làng Nủ đã có cải thiện  第2张

Bệnh nhi 7 tuổi đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước đó, bệnh nhi được cấp cứu đưa vào bệnh viện huyện, sau đó lên tỉnh Lào Cai và theo dõi chấn thương bụng, gan, có chấn thương thận, tuyến thượng thận, gãy chân. Vết thương hở sọ là nặng nhất, nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn yếm khí có thể nguy hiểm tính mạng.

Sau khi được chuyển về Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa, liên viện để điều trị cho cháu bé. Sau khi hội chẩn chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, hàm mặt, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để che phủ vết thương hở sọ.

Ca mổ đã kéo dài 5 tiếng, các bác sĩ che phủ được da đầu tối đa. Ngoài ra, lấy được rất nhiều bùn đất, mủ trong hốc mắt của trẻ.

Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, tâm lý bình thường, vết thương sau mổ ổn định. Bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.