TP.HCM đang tái cơ cấu nền kinh tế hướng tăng trưởng xanh theo chuyển đổi số và công nghệ xanh, với mục tiêu trước mắt là giảm 10% lượng phát thải vào năm 2030.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (phải) trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Ville Tavio sáng 21-10 - Ảnh: NGHI VŨ
Sáng 21-10, trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Ville Tavio.
Ông Tavio nhân dịp này dẫn đầu phái đoàn cấp cao Phần Lan thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 23-10. Chuyến thăm tập trung vào công tác kết nối các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên.
Trao đổi với chủ tịch UBND TP.HCM, Bộ trưởng Tavio cho biết Phần Lan là một trong những quốc gia dẫn đầu về xử lý nước thải và quản lý nguồn nước, cũng như sẵn sàng chia sẻ các giải pháp với TP.HCM.
Riêng đối với TP.HCM, ông Mãi cho biết kim ngạch thương mại TP.HCM - Phần Lan năm 2023 đạt hơn 35 triệu USD. Phần Lan hiện có 24 dự án đầu tư tại TP.HCM với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 27 triệu USD. "Những con số trên là đáng khích lệ nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên", ông Mãi nói thêm.
Bên cạnh đó, TP.HCM đánh giá cao năng lực của nhiều doanh nghiệp Phần Lan trong các lĩnh vực như cảng, logistics, hạ tầng năng lượng, cũng như việc xử lý rác thải, nước thải... Ông Mãi khẳng định các lĩnh vực này là dư địa nhằm tăng hợp tác và kim ngạch thương mại giữa TP.HCM - Phần Lan.
Trao đổi thông tin với các nhà đầu tư châu Âu tại phiên toàn thể, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 26% GDP của cả nước, tuy nhiên thành phố cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng và tăng trưởng dân số nhanh.
Để giải quyết, TP.HCM đang tái cơ cấu nền kinh tế hướng tăng trưởng xanh theo chuyển đổi số và công nghệ xanh với mục tiêu trước mắt là giảm 10% lượng phát thải vào năm 2030.
Vào tháng 9 vừa qua, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Kế hoạch này gồm 14 nhóm nhiệm vụ khá gần gũi với các chủ đề thảo luận của GEFE. Do đó, thông qua diễn đàn này, thành phố muốn lắng nghe và trao đổi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế để học hỏi các mô hình thành công trong lĩnh vực này.
Lãnh đạo Việt Nam và các nước ký tên lên Bức tường Cam kết để chia sẻ thông điệp cùng nhau trên hành trình hướng tới một tương lai xanh - Ảnh: GEFE 2024
"Thành phố đang xây dựng chính sách chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, đồng thời tìm kiếm nguồn vốn cho tăng trưởng xanh, nhất là hạ tầng nguồn nước, xử lý rác thải, khí thải. Chúng tôi thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến tái sử dụng và tái chế các nguồn tài nguyên. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường và trách nhiệm xã hội, củng như có nhiều hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng", Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin thêm.
Ông Bruno Jaspaert - chủ tịch EuroCham - cho biết GEFE 2024 thể hiện quyết tâm chung của Việt Nam và EU trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao và chuyên gia doanh nghiệp khẳng định rằng các bên liên quan đang cùng nhau biến lời nói thành hành động, xây dựng tương lai xanh cho thế hệ mai sau.
Các phiên thảo luận tại GEFE cũng tập trung vào Hiệp định Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), giúp các quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng bền vững.
"Việt Nam không chỉ là đối tác quan trọng của châu Âu mà còn đóng vai trò then chốt trong quan hệ đối tác EU-ASEAN. Thông qua các nền tảng như GEFE, chúng ta đang mở ra những cơ hội mới để đẩy nhanh đầu tư xanh và cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững", ông Bruno Jaspaert nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ của Việt Nam tính từ đầu năm đến tháng 9-2024 đạt 578,47 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỉ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 38,1 tỉ USD, tăng 17%.
“Điều này cho thấy tiềm năng phát triển và tăng trưởng ngày càng hiệu quả và chất lượng giữa Việt Nam và EU” - bà nhấn mạnh.
Đăng thảo luận