Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Bắc Ninh tổng kết, hoàn thiện, nghiên cứu, nhân rộng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh. Đây là trung tâm mẫu, thí điểm cho cả nước, số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ của lực lượng công an - Ảnh: NHẬT BẮC
Sáng 22-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh và dự Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức.
Xử lý nghiêm vi phạm giao thông, không vùng cấm
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, năm 2023, Tỉnh ủy Bắc Ninh có nghị quyết 87 và UBND tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch 71 xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông".
Trong đó có việc áp dụng công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông, khắc phục triệt để bất cập trong tổ chức giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện…
Nhờ dân làm 'tai mắt' bắt người vi phạm an toàn giao thôngĐỌC NGAY
Số tai nạn giao thông giảm sâu (giảm 16% số vụ, 20% số người chết, 19% người bị thương).
Lực lượng chức năng xử phạt trên 45.000 trường hợp, tăng 101% so với trước khi xây dựng tỉnh an toàn giao thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các quy định, hướng dẫn, chế tài không ngừng được hoàn thiện.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2023, ùn tắc giao thông giảm trên 65%. Số vụ tai nạn giao thông do người lái xe vi phạm nồng độ cồn giảm sâu. Các hành vi vi phạm giao thông được xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Ông hoan nghênh, đánh giá cao sáng kiến thí điểm "Tỉnh an toàn giao thông" của Bộ Công an. Bắc Ninh đã có triển khai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người dân.
Vừa làm vừa thí điểm, không cầu toàn không nóng vội
Bên cạnh kết quả, Thủ tướng đánh giá bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn nhiều thách thức, ùn tắc ở các đô thị còn lớn, tai nạn giao thông giảm song vẫn là vấn đề nhức nhối.
Ông điểm qua một số bài học kinh nghiệm như sự vào cuộc của hệ thống chính trị - tham gia của toàn dân, nâng cấp hạ tầng giao thông hiện đại, quản lý thông minh để lực lượng cảnh sát giao thông quản lý bằng công nghệ (áp dụng trí tuệ nhân tạo AI), giáo dục ý thức học sinh từ khi còn nhỏ…
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Cơ quan chức năng có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông…
Đổi mới, đa dạng hóa truyền thông về an toàn giao thông, làm sao để hấp dẫn người dân, trong đó có thanh niên, trẻ em. Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, tinh gọn cơ quan bảo đảm trật tự an toàn giao thông…
Thủ tướng đề nghị sau hội nghị, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bắc Ninh tổng kết, hoàn thiện mô hình "Tỉnh an toàn giao thông" và tính toán, nhân rộng mô hình với lộ trình, bước đi, cách làm phù hợp.
"Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, khi người dân thấy có lợi ích thiết thực thì sẽ tự nguyện, tích cực hưởng ứng. Mục tiêu là tất cả các tỉnh, thành phố đều là tỉnh an toàn giao thông", ông nêu rõ.
Đăng thảo luận