Tung tin giả "câu view" bất chấp giữa bão lũ: Có thể bị phạt tù 7 năm
(Dân trí) - Khi tiếp cận tin tức về bão lũ, người dân cần kiểm chứng nguồn tin để tránh bị dẫn dắt bởi những chiêu trò "câu view, câu like" từ các đối tượng xấu.
Bất chấp "câu view" gây hoang mang dư luận
Những ngày qua, trong khi lực lượng cứu hộ cứu nạn và người dân gồng mình chống lũ dữ tại miền Bắc thì nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin của công chúng để tung tin giả về bão lũ gây hoang mang dư luận.
Vừa qua, hình ảnh một cháu bé ở Mèo Vạc khóc nức nở với thông tin đi kèm là mẹ của bé bị lũ cuốn đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Tuy nhiên, sau đó giáo viên của em - cô Mai Thị Xoan (giáo viên lớp 1 điểm trường Mã Pì Lèng, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng, tỉnh Hà Giang) - đã lên tiếng khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô giáo cho biết em bé vẫn được bố mẹ đưa đến lớp bình thường. Hình ảnh em bé đang lan truyền trên mạng xã hội thực tế đã được ghi lại từ 1 năm trước trong một bối cảnh khác.
Bức ảnh em bé khóc vì mất mẹ (trái) và gia đình chạy lũ ở Hà Giang là sai sự thật (Ảnh: Chụp màn hình).
Cùng thời điểm, một thông tin sai sự thật khác liên quan tới bão lũ Hà Giang về cảnh cả gia đình chạy lũ cũng được chia sẻ rầm rộ.
Trong clip, người chồng cố gắng đẩy vợ con trong chậu, di chuyển trong khu vực ngập nước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương xã Ngọc Linh (tỉnh Hà Giang) xác nhận đây chỉ là clip dàn dựng của một YouTuber ở Hà Giang nhằm muốn lấy lòng thương của cộng đồng.
Không chỉ thêu dệt, dàn dựng các câu chuyện lấy nước mắt cộng đồng, nhiều đối tượng còn tung tin giả về bão lũ gây hoang mang, nhiễu loạn thông tin.
Chiều 12/9, chuyên gia thời tiết Huy Nguyễn đã lên tiếng cảnh báo một nguồn tin giả có nội dung "Cơn bão số 4 sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung trong 48 giờ tới". Theo chuyên gia, nguồn tin giả này đã khiến người dân hoang mang, liên tục nhắn tin hỏi anh.
Chuyên gia Huy Nguyễn nói: "Không có dấu hiệu của cơn bão nào trong vòng 4-5 ngày tới. Người này lấy clip dự báo bão Noru năm 2022 rồi biên tập lại. Mọi người vui lòng không chia sẻ nếu vô tình gặp thì báo cáo tài khoản này nhé".
Tung tin giả về tình trạng bão lũ (Ảnh: Chụp màn hình).
Chuyên gia hướng dẫn cách kiểm chứng thông tin
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia Lê Anh Tú - giảng viên khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông trường Đại học Văn Lang, CEO iGem Agency - nhận định, tình trạng tin giả về mưa lũ đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Không chỉ cắt ghép tinh vi mà các đối tượng còn sử dụng những hình ảnh, video của nước ngoài rồi tung tin giả về bão lũ của Việt Nam. Thậm chí, một số đối tượng còn dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để tạo tin giả.
"Những tin giả phổ biến nhất thổi phồng lên về tình hình bão lũ, tung tin dự báo về thời tiết, thêu dệt những câu chuyện về sự mất mát mùa lũ lụt… nhằm gây hoang mang dư luận", chuyên gia nói.
Theo ông Lê Anh Tú, động cơ của các đối tượng mạo danh, tung tin giả chủ yếu muốn "câu view, câu like" và trục lợi cá nhân. Ông nhấn mạnh, tình trạng tin giả tràn lan không chỉ gây xáo trộn, nhiễu loạn thông tin mà còn gây ảnh hưởng uy tín cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ…
Chuyên gia Lê Anh Tú nhấn mạnh, trong bối cảnh tin giả tràn lan, người dùng internet cần biết cách nhận diện tin giả để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi những thông tin sai lệch.
Khi tiếp cận tin tức về bão lũ, người dân cần kiểm chứng nguồn tin đó bằng cách kiểm tra lịch sử bài đăng và thông tin của người đăng bài.
Anh nói về điểm nhận diện các tài khoản ảo: "Thông thường, nếu người đăng bài dùng tài khoản ảo thì đa số là tin giả. Các tài khoản ảo thường mượn ảnh của người nổi tiếng, hoạt hình, thú cưng để làm ảnh đại diện. Những tài khoản "ma" này ít bạn bè, ít khi đăng bài hoặc chỉ đăng vài bài viết cho có.
Các fanpage giả cũng vậy, thường chỉ mới được tạo trong thời gian ngắn, ít lượt theo dõi. Người dân cần kiểm tra phần thông tin giới thiệu và liên hệ của fanpage đó để xem có đáng tin không. Đặc biệt, nếu trang chính chủ, có uy tín thì thường có dấu tích xanh để nhận diện".
Chuyên gia Lê Anh Tú (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ông Lê Anh Tú cho rằng những trang web không đáng tin cậy thường có dấu hiệu như sau: Giao diện thiết kế không chuyên nghiệp, sai chính tả và ngữ pháp, địa chỉ web sử dụng những tên miền không phổ biến như ".biz", "ninfo"…
Chuyên gia cho biết, một trong những việc giúp tránh xa tin giả là người dân nên chủ động đọc tin tức, cập nhật thông tin từ báo đài hoặc các trang thông tin có uy tín.
Ông Tú nói thêm: "Thông tin, hình ảnh lấy từ báo chí thường có logo để nhận diện. Và những tin tức từ báo chí luôn được kiểm chứng rõ ràng, chính xác.
Nếu người dân xem thông tin trên trang mạng xã hội thì phải kiểm tra độ uy tín, tính chuyên môn của người chia sẻ. Chỉ nên tham khảo thông tin từ chuyên gia, người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực đó".
Tung tin giả, gây nhiễu loạn thông tin bị xử lý thế nào?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - nhận định dưới góc độ pháp lý, việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đăng tải những thông tin sai sự thật về bão lũ gây hoang mang trong nhân dân thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật an ninh mạng 2018.
Như vậy, giả sử có hành vi tung tin giả về tình hình bão lũ trên mạng thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...) hoặc xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Cụ thể, tại khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) của chính phủ quy định các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Đồng thời, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần tổ chức vi phạm.
Khoảnh khắc người dân ở làng Nủ (Lào Cai) rơi nước mắt khi họ hàng có đến 13 người mất tích do trận lũ quét kinh hoàng (Ảnh: Hữu Khoa).
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến cao nhất là 7 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đăng thảo luận