Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù đối với 4 bị cáo trong vụ đưa nhiều người trốn sang nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép.

Tuyên án nhóm ngư dân đánh bắt thủy sản trái phép  第1张

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử lưu động tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - Ảnh: THANH HUYỀN

Ngày 30-9, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Quách Thanh Tuấn (40 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) mức án 7 năm tù, Nguyễn Văn Công (49 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) 6 năm tù, Nguyễn Văn Phu (46 tuổi, ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) 5 năm tù và Dương Hoàng Giang (55 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) mức án 3 năm tù về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

  • Bắt nữ giám đốc tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép

Bên cạnh đó, tòa còn tuyên phạt bổ sung bị cáo Tuấn và Công mỗi bị cáo 20 triệu đồng; Phu và Giang bị phạt bổ sung mỗi bị cáo 10 triệu đồng.

Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 7, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu cá CM 91148-TS do Nguyễn Văn Công làm thuyền trưởng từ vùng biển Malaysia về vùng biển Việt Nam. Trên tàu có 12 ngư dân. Thời điểm bị bắt trên tàu không có thiết bị giám sát hành trình, chỉ có một bộ giấy tờ chữ nước ngoài.

Qua xác minh cho thấy năm 2023, Tuấn móc nối với người tên Salam (sống tại Malaysia) hợp thức hóa hồ sơ cho tàu cá do Tuấn đứng tên thành tàu cá của Malaysia, để hoạt động trái phép tại vùng biển nước này. Chi phí hợp thức hóa là 380 triệu đồng.

Tuấn cung cấp thông tin kỹ thuật về tàu cho Salam và tìm 5 người có hộ chiếu để đăng ký thuyền viên. Đến tháng 6-2023, Salam thông báo đã hoàn tất giấy tờ đăng ký và đã biến tàu CM-92365-TS thành tàu KNF6649. Người này hướng dẫn Tuấn sửa chữa tàu cho phù hợp với hồ sơ để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Malaysia.

Tuấn giao cho Nguyễn Văn Công làm thuyền trưởng và tìm 7 ngư dân. Trong đó, có 3 người không cần giấy tờ tùy thân, không làm thủ tục xuất cảnh và 4 người có hộ chiếu xuất cảnh bằng đường hàng không. Cùng thời điểm này, Tuấn còn liên hệ với Dương Hoàng Giang để chạy tàu cá CM-92365-TS qua Malaysia giao cho Công với mức phí 10 triệu đồng.

Ngày 9-8-2023, Tuấn yêu cầu Công điện thoại cho 3 ngư dân không có giấy tờ tùy thân và đưa họ xuống tàu đi sang Malaysia. Tuấn chỉ đạo chạy tàu ra biển cách đất liền khoảng 2 hải lý thì đậu chờ để gỡ giám sát hành trình, gửi đò dọc vào bờ. Khi tàu đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia, Giang chỉ đạo sơn lại cabin, đổi số hiệu tàu cá thành KNF6649; sau đó chạy đến Cảng Đỏ của Malaysia chờ Công và 4 ngư dân.

Ngày 24-8-2023, Tuấn đến huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu rước Công và 4 người có giấy tờ tùy thân đưa đến sân bay Tân Sơn Nhất để qua Malaysia. Đến nơi, nhận tàu xong, Công lái tàu đã được hợp thức hóa đi đánh bắt.

Giữa tháng 12-2023, do thiếu người đánh bắt nên Công kêu Tuấn tìm thêm 5 người khác thay thế. Thông qua mối quan hệ, Tuấn quen biết với Nguyễn Văn Phu làm nghề môi giới cho ngư dân đi biển. Tuấn nhờ Phu tìm 5 ngư dân không cần hộ chiếu hay bất cứ giấy tờ nào khác, cho mỗi người ứng trước 40 triệu đồng để đi đánh bắt thủy sản ở Malaysia với thời gian 6 tháng thì về nước.

Trong thời gian đánh bắt ở vùng biển Malaysia, tàu đã vào Cảng Đỏ, Malaysia bán hải sản 21 lần, với tổng số tiền khoảng 100 triệu tiền Việt Nam. Tàu về vùng biển Việt Nam bán hải sản 4 lần, khoảng 3 tỉ đồng. Mỗi lần tàu chạy đến khu vực chồng lấn với Việt Nam, Công chỉ đạo cho ngư dân sơn lại cabin và thay đổi số hiệu tàu để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam.

Tháng 7, lực lượng cảnh sát biển phát hiện vi phạm và tạm giữ tàu cá CM-92365-TS khi tàu về vùng biển Việt Nam để bán hải sản. Sau đó, vụ việc được chuyển cho Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Cà Mau.