Liên quan vụ lừa đảo 850 triệu đồng, bạn đọc thắc mắc kẻ lừa đảo chuyển tiền qua nhiều tài khoản thế nào khi ngân hàng đã áp dụng nhận dạng sinh trắc học.
Một phụ nữ tại TP Pleiku, Gia Lai, vừa bị kẻ gian lừa đảo 850 triệu đồng qua thủ đoạn gọi điện thoại - Ảnh minh họa
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-10, thượng tá Trần Trọng Sơn - trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Gia Lai - thông tin thêm quá trình gây án của kẻ lừa đảo trong vụ này.
Lừa đảo qua điện thoại: Coi chừng mất sạch tiền trong chốc látĐỌC NGAY
Trước đó PA05 Công an tỉnh Gia Lai đã ngăn chặn thành công vụ lừa đảo qua điện thoại, thu hồi toàn bộ số tiền 850 triệu đồng cho bà N.T.H. (trú TP Pleiku, Gia Lai).
Theo ông Sơn, sau khi bà H. ấn vào đường link lừa đảo kẻ mạo danh công an gửi qua, người lừa đảo đã chiếm quyền điện thoại và đọc được các thông tin cá nhân của bà.
Tiếp đó người lừa đảo dùng chính những thông tin này để đe dọa, ép buộc bà chuyển tiền vào tài khoản người này cung cấp theo quy trình xác thực thông qua sinh trắc học thông thường.
Qua điều tra, tài khoản đích mà bà H. chuyển tiền đến là tài khoản của doanh nghiệp "ma" do những người lừa đảo lập nên. Sau khi nhận được tiền, những người lừa đảo nhanh chóng chuyển tiền sang các tài khoản doanh nghiệp "ma" khác của họ.
Theo công an, từ bước này, việc chuyển tiền từ tài khoản doanh nghiệp "ma" sang các tài khoản thứ cấp của kẻ lừa đảo đã không còn yêu cầu xác thực sinh trắc học vì yêu cầu này không áp dụng với loại tài khoản doanh nghiệp.
Trong khi đó các tài khoản thứ cấp nhận tiền từ tài khoản "ma" này được kẻ lừa đảo chuẩn bị từ trước nên việc chuyển tiền giữa các tài khoản thứ cấp để rửa tiền không còn khó khăn nữa.
Trong vụ này, số tiền 850 triệu đồng lừa đảo của bà H. được chuyển sang 5 tài khoản ngân hàng khác nhau trước khi bị công an phong tỏa, thu hồi cho bị hại.
Theo PA05, việc chưa có quy định áp dụng nhận dạng sinh trắc học cho giao dịch của tài khoản doanh nghiệp đang bị kẻ xấu lợi dụng vào mục đích lừa đảo.
Từ kẽ hở này, kẻ lừa đảo đã tạo lập, đăng ký doanh nghiệp rồi mở tài khoản ngân hàng đứng tên doanh nghiệp để nhận tiền chiếm đoạt từ bị hại. Sau đó, chuyển đến tài khoản các đối tượng lừa đảo mà không có sinh trắc học.
Ngoài ra kẻ xấu lợi dụng việc đăng ký sinh trắc học để giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hướng dẫn người dân đăng ký, sau đó dẫn dụ cài đặt ứng dụng, gửi đường link chứa mã độc… để chiếm đoạt tài sản.
Đăng thảo luận